Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, có 88% người tiêu dùng cho biết có quan tâm đến cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, rất quan tâm là 53% và quan tâm có mức độ là 35%; số người ít quan tâm hoặc không biết có cuộc vận động này chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ rất quan tâm đến cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%). Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ rất quan tâm của người dân đối với cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng |
67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động, bản thân họ đã tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 52% cho rằng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam; 36% cho rằng trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%, năm 2014 là 63%, năm 2019 là 67%).
Tuy vậy, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng: Năm 2010 là 59%, năm 2014 là 63%, năm 2019 là 67%, có sự tăng dần lên tuy rằng chưa nhiều lắm, tới đây phải cố gắng nhiều nữa.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý dù cuộc vận động đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp uỷ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.
Một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn... diễn ra ở nhiều nơi. Đây là vấn đề rất nhức nhối. Cái này đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam.
"Thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi. Việc này không chỉ đánh về tiền mà đánh giá hậu quả sức khỏe của dân", ông nhấn mạnh.
Về phương hướng trong thời gian tới, ông Vượng cho rằng cuộc vận động cần phải được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn và nhấn mạnh cốt lõi của cuộc vận động là phải chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không phải là phong trào bình thường. Các cấp uỷ, chính quyền địa phương phải thấy được cái này.
"Thị trường trong nước chúng ta rất lớn. Một đất nước có tới gần 100 triệu dân, thị trường rất lớn. Cho nên khâu bán lẻ phải hết sức chú ý", ông Vượng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng chia sẻ: "Chúng tôi nhiều lúc thấy giật mình khi hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều do người nước ngoài thôn tính. Vì vậy phải làm sao để người việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ".
Nhật Linh