Tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%. Trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất với lộ trình thực hiện là 19 năm, cá biệt một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm.
Bộ Công Thương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu (XK) sang các thị trường ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Thị trường quen mà lạ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chuyển hướng XK sang thị trường ASEAN. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), nhóm sản phẩm thủy sản thế mạnh XK của Việt Nam là cá tra, tôm, nhuyễn thể (mực, bạch tuộc) từ đầu năm 2019 đến nay đều tăng mạnh XK sang các nước trong khối ASEAN, các DN trong ngành đang tăng cường quảng bá sản phẩm đến thị trường này.
Thái Lan đang là thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2018 đến nay và cũng là quốc gia nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN. Các nước khác trong khu vực như Singapore và Philippines cũng tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ đầu năm 2019. Đặc biệt, Philippines từ năm 2018 đã nổi lên là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam với số lượng mua tăng đều đặn trong nhiều tháng.
Dự báo cho thấy nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại ASEAN, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Philippines và Singapore tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Trong lĩnh vực khác, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Quy Phúc, cho biết cuối năm 2018, công ty đã đạt thỏa thuận đơn hàng XK 70 container sản phẩm nội ngoại thất inox – nhựa sang Thái Lan. Lượng hàng tương đương gần 100.000 sản phẩm sẽ được đối tác phân phối sâu và rộng khắp thị trường này.
Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm: Các DN Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ chuyên ngành tại nước sở tại để đưa ra những chiến lược phù hợp với đơn vị mình.
Ông Nguyễn Huy Thanh, Giám đốc công ty xuất khẩu nhựa Rạng Đông Long An, cho biết thị trường ASEAN có nhu cầu rất lớn với sản phẩm bao bì. Vì vậy, hơn một năm qua, DN đã đầu tư một loạt máy móc, xây dựng nhà xưởng mới để đẩy mạnh XK bao bì vào thị trường này, dù quy mô còn khiêm tốn chỉ khoảng 1/4 tổng lượng hàng XK của DN, nhưng dự báo sẽ tăng 20 – 30% mỗi năm.
Ông Thanh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, DN nào nắm được công nghệ, sản phẩm độc đáo thì sẽ bán được vào thị trường ASEAN.
Tuy vậy, thực tế hàng Việt xuất sang ASEAN vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng. Điển hình như Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, trong khi đây là những mặt hàng mà Malaysia đang có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, năm 2018, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Malaysia, Việt Nam bị thâm hụt thương mại hơn 3,4 tỷ USD.
Việt Nam cũng được đánh giá là có nhiều lợi thế xuất hàng sang Thái Lan. Theo bà Phạm Thị Ngọc Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại Thái Lan, hàng Việt có nhiều thuận lợi, như ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, vị trí địa lý hành lang Đông Tây di chuyển hàng hóa qua đường biển, cảng Bangkok, hoặc vận dụng tuyến vận tải từ miền Trung – cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) sang vùng Sabalaket của Lào, sang biên giới Thái Lan là có thể vào miền Trung nước này…
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội như cách mà các DN Thái đã làm. Cụ thể, Việt Nam có nhiều mặt hàng tiềm năng có thể XK sang Thái Lan nhưng thị phần còn thấp như săm lốp chỉ chiếm 5%, thủy sản: 7%, hoa quả: 10%.
Với thị trường Lào – “hàng xóm” của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm 87% kim ngạch nhập khẩu, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 7%.
Theo phản ánh của các DN, tiếp cận thị trường ASEAN là không hề dễ. Ông Lê Đức Nghĩa, CTCP Go An Cường, cho biết lượng XK sang ASEAN chưa đến 7% dù mục tiêu đặt ra là 25-35% trong năm 2018. Thách thức lớn nhất là về giá: đồ gỗ bán sang ASEAN rẻ hơn so với xuất đi Mỹ, Nhật, Canada khoảng 7%, mức lợi nhuận ròng tối đa chỉ 10%.
Trong bối cảnh giảm giá, Vasep khuyến cáo DN cần lưu tâm tới thị trường ASEAN |
Mù mờ về thị trường
Trong khi đó, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành công ty Mega Market Việt Nam, cho rằng điều mà nhà cung cấp Việt Nam cần cải thiện ngay là chất lượng dịch vụ, “Nhiều khi chúng tôi có những đơn hàng đến hẹn nhưng họ không giao đủ đơn hàng cũng như đảm bảo đúng chất lượng đã ký kết”, bà Punthila nói.
Theo điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2018) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN Việt Nam có mức độ hiểu biết về các FTA đang rất hạn chế. Cụ thể, có 63% DN dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng rõ ràng là rất khó để các DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế khi chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán thời gian vừa qua. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn với quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Đương Kiên, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), một trong những lý do khiến hàng Việt khó vào thị trường ASEAN là vì không có DN nào như nhà bảo trợ đưa hàng Việt vào ASEAN. Bên cạnh đó, dường như các DN Việt Nam vẫn đang xem ASEAN là thị trường cấp thấp.
Tại một hội chợ ở Myanmar, ông Kiên cho biết đã từng chứng kiến có nhiều DN Việt Nam đem quần áo sang tiếp thị trông như “hàng thùng”. Trong bối cảnh đời sống của người dân Myanmar đang tốt lên từng ngày, chất lượng hàng hóa như vậy rất có thể bị tẩy chay.
“Các DN nên lưu ý chất lượng sản phẩm hàng hóa của một quốc gia luôn rất ấn tượng trong mắt người tiêu dùng. Một khi sản phẩm Việt Nam bị định hình là hàng rẻ tiền, việc thay đổi nhận diện sản phẩm rất khó. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng sẽ bài xích hàng hóa Việt Nam”, ông Kiên khuyến cáo.
Bà Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, lưu ý các DN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập thị trường. Theo đó, để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam thâm nhập các thị trường ASEAN, DN phải có chiến lược kinh doanh, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… Đây là việc làm quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, DN cần chủ động đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực khoa học công nghệ trong sản xuất cũng như chế biến sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học của thế giới vào sản xuất sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu cũng như yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đương Kiên - Vụ Thị trường châu Á – châu Phi Hơn ai hết, DN phải chủ động, tìm hiểu yêu cầu của từng thị trường, luôn xem chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, dù không có hệ thống phân phối của người Việt nhưng DN có thể dựa vào hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ của bà con Việt kiều để đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng trong ASEAN. Ông Paul Lee - Phó Chủ tịch Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Tập đoàn Central Group Hàng Việt có chất lượng rất tốt, rất ngon nhưng lại chưa biết cách “kể chuyện”. Trong quá trình xúc tiến hàng Việt, chúng tôi luôn khuyến khích DN chuẩn bị những câu chuyện hay để kể cho người tiêu dùng, thuyết phục nhà thu mua. Hương vị nông sản Việt rất hợp với người Thái, bán rất chạy nhưng nhà thu mua cần thông tin nhiều hơn thế. Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Việt An Khang Ở thị trường ASEAN, các DN Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ với các DN bản địa mà từ các đối thủ toàn cầu, đặc biệt là các nhà sản xuất từ Trung Quốc. DN cần nâng cao hơn nữa về chất lượng, phải chấp nhận tư duy ra “biển lớn” chứ không phải sản xuất nhỏ. |