Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa gửi Bộ Công Thương báo cáo kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Đề nghị quy định hoa hồng cho bán lẻ xăng dầu từ 1.200 - 1.400 đồng/lít. |
Theo Hiệp hội, hiện nay cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó có khoảng 13.000 là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hoạt động trên khắp mọi miền đất nước đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các hoạt động trong đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trên đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của doanh nghiệp đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu đề nghị tách riêng, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay, mức chi phí bán lẻ chưa tính đến lợi nhuận là từ 700 - 800 đồng/lít, mức chi phí này dao động do phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa.
“Đề nghị chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 - 1.400 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng)", văn bản kiến nghị nêu rõ.
Đồng thời, trong tình hình hiện nay cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Trước mắt, tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ vì điều này sẽ tạo “độ trễ” gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành thị trường xăng dầu.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không còn phù hợp với điều kiện và sự phát triển của thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu cho rằng quy định về điều này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là không còn phù hợp. Vì xăng dầu hiện nay được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu đều phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt Nam.
Trước kỳ điều chỉnh giá chiều nay (11/10), "cơn sốt" thiếu xăng lan rộng ở nhiều tỉnh thành cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Trong báo cáo tối ngày 10/10, Bộ Công Thương thừa nhận có hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Bộ Công Thương cho biết đã và đang kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Thy Lê