Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, giá lợn hơi trong nước dao động từ 50.000 - 54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so với tháng trước đó). Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn hơn.
Thua lỗ, nuôi lợn không công
Mỗi năm, HTX chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (Bắc Giang) đưa ra thị trường khoảng 15 - 20 nghìn con. HTX có 6 trại lợn với quy mô 10 nghìn con. Trước tác động của các yếu tố tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra, ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX cho biết, lợi nhuận của HTX đang giảm dần, quý I năm nay lãi được gần 2 tỷ, quý II hòa vốn, quý III đang có nguy cơ lỗ, phải nuôi không công.
Chính sách lãi suất vốn vay, đất đai với người chăn nuôi nuôi lợn cần phải có sự điều chỉnh. |
Theo ông Nhiệm, nguyên nhân là do HTX phải mua 100% thức ăn chăn nuôi, trong khi đầu ra của HTX chỉ cung cấp vào siêu thị 5-7% bởi người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng thịt nóng, chưa ưa chuộng thịt mát, thịt đông lạnh nên việc tích trữ, bảo quản khó khăn. Phần lớn sản lượng lợn hơi của HTX tiêu thụ qua thương lái. Dù không bị ép giá nhưng giá lợn hơi bấp bênh lên xuống theo thị trường.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời gian qua, hoạt động thu mua lợn hơi tại một số địa phương bị đình trệ vì đội ngũ thương lái bị cách ly do dịch COVID-19 rất nhiều. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Nếu những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài mà không có cách tháo gỡ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể dần bị “xóa sổ” vì không còn vốn để duy trì hoạt động chăn nuôi, đầu tư tái đàn.
Có thể thấy kể từ năm 2017 đến nay, ngành chăn nuôi lợn trong nước luôn đối mặt với những cuộc khủng hoảng. Còn nhớ thời điểm vào tháng 4/2017, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg. Chưa qua cơn khủng hoảng này bao lâu thì ngành chăn nuôi lợn lại chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi vào 2/2019.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết dịch Tả lợn châu Phi đã khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình cảnh trắng tay, bỏ chuồng, nợ nần. Ngay sau khi dịch được khống chế, giá lợn hơi lại tăng thẳng đứng chưa từng có, do thiếu nguồn cung. Từ đầu tháng 4/2020, giá lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm cán mốc 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do trước đó nhiều hộ chăn nuôi và trang trại bỏ trống chuồng hoặc chuyển đổi nghề khác nên dù giá tăng thì cũng không được lợi.
Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê, nông hộ nuôi lợn giảm từ gần 3 triệu hộ năm 2019 xuống còn 2 triệu hộ năm 2021, giảm 911.629 hộ, tương đương 30,7%. Cùng với đó, đến 31/3/2020, cả nước còn 911 HTX và 9.924 trang trại chăn nuôi lợn, giảm 193 HTX và hơn 4 nghìn trang trại chăn nuôi lợn so với trước khi có dịch.
Đặc biệt, năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành chăn nuôi lợn đã làm đứt gãy khâu sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, giảm giá bán. Từ tháng 7/2021 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. Đầu năm 2021, giá lợn dao động trong khoảng 81.000 - 85.000 đồng/kg, nay xuống trung bình hơn 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng rất mạnh, có công ty tăng giá lần thứ 9, khiến ngành chăn nuôi lợn rất khó khăn.
"Điều này tạo bất ổn và tăng chi phí trong sản xuất chăn nuôi... khiến hộ chăn nuôi nhỏ thua lỗ, gây bất lợi cho người chăn nuôi, nhiều nông hộ bỏ trống chuồng không nuôi nữa", ông Trúc cho biết.
Tổ chức lại cách thức chăn nuôi
Trước tình hình trên, ông Trúc cho rằng cho rằng chính sách lãi suất vốn vay, đất đai với người chăn nuôi nuôi lợn cần phải có sự điều chỉnh. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi cần sớm có quy định về tiêu thụ, giết mổ, chế biến và dự trữ thịt lợn khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Điều này giúp giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, tham gia điều tiết thị trường, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, chủ động điều hành sản xuất trong nước và lộ trình nhập khẩu thịt hàng năm.
Đồng thời, muốn phát triển ngành chăn nuôi cũng cần hỗ trợ xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để vượt qua dịch COVID-19 lần này, TS. Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, cần đảm bảo hoạt động thông suốt các khâu trong ngành chăn nuôi gồm: sản xuất, thu gom, giết mổ và chế biến, phân phối sản phẩm.
Khâu thứ 2 là giảm chi phí trong chăn nuôi, ông Dương cho rằng trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi không thể giảm ngay do phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường thế giới, ngành chăn nuôi cần tiết giảm chi phí ở quy trình chăn nuôi, công nghệ chuồng trại, áp dụng phần mềm tin học trong quản lý, giám sát chăn nuôi để kiểm soát chế độ dinh dưỡng và dịch bệnh.
"Đây là thời điểm nông hộ nhỏ phải chịu áp lực ngày càng cao về dịch bệnh, thị trường, chi phí đầu vào. Hộ chăn nuôi phải là hộ chuyên nghiệp thì mới vượt qua được", ông Dương nói.
Theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, mỗi ngày đơn vị này đang chế biến khoảng 150 con lợn cung cấp cho hệ thống siêu thị, các bếp ăn tập thể. Theo đó, ông cho rằng sở dĩ giá lợn giảm sâu, đứt gãy chuỗi cung ứng là do không có sự liên kết chuỗi, nếu tham gia được chuỗi thì câu chuyện sẽ khác. Theo đó, đại diện doanh nghiệp này đề xuất thành lập hiệp hội chế biến thực phẩm.
Theo các chuyên gia, giải pháp bao trùm của ngành chăn nuôi lợn hiện nay là tổ chức chăn nuôi bài bản phù hợp với thị trường, đảm bảo yếu tố cạnh tranh. Trong đó, phải khuyến khích, động viên người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi, hình thành doanh nghiệp siêu lớn dẫn dắt chuỗi đó.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |