Khảo sát thị trường ngày 4/10 cho thấy, giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu, xuống 41.000 - 49.000 đồng/kg. Nhiều địa phương trên cả nước có mức giá thấp như Tuyên Quang: 41.000 đồng/kg; Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai, TP.Hà Nội có giá ở mức 44.000 - 45.000 đồng/kg.
Lợn giống ế ẩm
Ở các tỉnh phía Nam như Bạc Liêu, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh có giá thu mua lợn hơi ở mức thấp 45.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đồng Tiến (xã Đắk Sin, Đắk R’lấp, Đắk Nông) cho biết, HTX này vốn cung ứng lợn giống, song do dich bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra tiêu thụ bị tắc nên các hộ chăn nuôi không tái đàn được. Vì thế hơn 1.500 con lợn giống của HTX không bán được đành phải nuôi thành lợn hơi.
Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi không dám tái đàn. |
"Trong bối cảnh hiện nay, dù biết phương án này là rủi ro nhưng đây là tình thế bắt buộc. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn trong 1 - 2 tháng tới sẽ tăng lên 55.000 - 60.000 đồng/kg. Như vậy, người chăn nuôi mới hòa vốn, chứ xuống thấp thì số tiền lỗ của HTX có thể lên tới cả tỷ đồng", ông Hưởng chia sẻ. Trong bối cảnh hiện nay, HTX đang cố gắng nâng cao năng suất đàn lợn của mình để không bị lỗ sâu, tìm phương án liên kết chuỗi để đảm bảo đầu ra tiêu thụ.
Ông Hưởng chia sẻ, HTX đang phải lấy tiền lãi tích luỹ trong 2 năm qua để duy trì chăn nuôi, sắp tới đây chắc phải tính tới bài toán vay ngân hàng. Do vậy, HTX mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Tương tự, ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc kinh doanh HTX nông nghiệp sinh thái và dịch vụ Vũ Đơn Đức (Hà Tĩnh) cho hay, lợn giống của HTX cũng không bán được đành phải thuê chuồng của nông hộ để nuôi lớn. Nếu giá lợn hơi đạt mức 55.000 - 60.000 đồng/kg thì HTX mới hòa vốn, còn thấp như hiện nay thì chấp nhận lỗ.
Ông Triều cho rằng, giá lợn hơi xuống thấp một phần do dịch bệnh nhưng không thể không nhắc tới nguyên nhân là do thịt lợn nhập khẩu đông lạnh ồ ạt về Việt Nam, điều này khiến người chăn nuôi đã khó càng thêm khó. Theo đó, HTX mong muốn Nhà nước có chính sách hạn chế nhập khẩu thịt lợn khi thị trường trong nước đã đáp ứng đủ. Đồng thời, có chính sách giảm thuế với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi.
Hỗ trợ đẩy mạnh tái đàn
Không chỉ nông hộ gặp khó khăn mà các đơn vị chăn nuôi lợn theo quy mô công nghiệp cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ. Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (Đồng Nai) chia sẻ, riêng về phân khúc lợn giống, hơn 2 năm nay, ông không dám chăn nuôi vì người chăn nuôi lúc nuôi, lúc nghỉ nên giá cả mặt hàng này trồi sụt. Theo đó, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp lợn nái hậu bị. Tuy nhiên, vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu mặt hàng này cũng xuống thấp.
"Bình thường, công ty bán được 600 con lợn nái hậu bị/tháng, nay giảm xuống 300 con/tháng. Số còn lại phải bán với giá lợn hơi, chấp nhận lỗ. Một con lợn nái hậu bị bán khoảng 7-8 triệu đồng, nay bán lợn thịt chỉ khoảng 4,6 triệu đồng", ông Do cho biết.
Thậm chí, Giám đốc công ty TNHH MTV Tám Do tiết lộ: bán lợn nái hậu bị 10 con phải khuyến mãi người mua 1 con mà vẫn còn ế.
Người nuôi ngại tái đàn, Bộ NN&PTNT lo ngại sẽ khan hiếm thịt lợn trong thời gian tới. Trong bối cảnh giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi băn khoăn câu chuyện có nên tái đàn, ông Nguyễn Tấn Hậu cho rằng nhiều người lo ngại trong tình thế này thì không nên tái đàn, nhưng đây có lẽ lại là thời điểm tốt nhất để chăn nuôi lợn.
Ông Hậu phân tích, hiện nay, giá lợn giống (7-10 kg/con) chỉ khoảng 1 triệu đồng/kg, nếu người chăn nuôi tái đàn thì 4 tháng nữa khi giá lợn hơi tăng lên khoảng 60.000 đồng/kg, thì chắc chắn người chăn nuôi sẽ có lãi. Song, do chăn nuôi nhỏ nên thường nghe theo tâm lý đám đông, lúc giá lợn con giống gần 3 triệu đồng/con, người nuôi vẫn sẵn sàng tái đàn, giờ lợn giống có rẻ nhưng nhìn thấy đầu ra bế tắc thì người chăn nuôi cũng không muốn tái đàn.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân giá lợn hơi vẫn ở mức thấp dù một số địa phương nới lỏng giãn cách xã hội là do trong thời kỳ dịch bệnh, số lượng lợn hơi đến kỳ xuất chuồng bị ứ đọng, tồn khoảng 30%, giờ mới bắt đầu đẩy ra thị trường. "Chúng ta chưa thể hy vọng ngày một, ngày hai mà giá lợn hơi tăng trở lại", ông Trọng nói.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, giá giảm nên người nuôi không xuất chuồng lợn hơi, do vậy việc tái đàn gặp khó khăn. Nguồn cung thịt lợn trong thời gian từ nay tới cuối năm vẫn phụ thuộc vào 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, dù chỉ chiếm thị phần 23 - 24% nhưng lại ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Về phía cơ quan Nhà nước, ông Trọng thông tin: Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị giải pháp lên Chính phủ, trong đó có đề xuất về giảm thuế nguyên liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi...
"Thời gian qua, chúng tôi cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không tăng giá, hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, nhưng họ cũng là doanh nghiệp nên lợi nhuận đặt lên trước tiên, hơn nữa thức ăn chăn nuôi lại không phải là mặt hàng bình ổn giá", ông Trọng chia sẻ.
Theo đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là khơi thông thị trường, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thông suốt để người chăn nuôi bán được hàng, có niềm tin tái đàn trong thời gian tới. Điều này cũng đảm bảo Tết Nguyên đán năm nay không lo thiếu thịt lợn.
Thy Lê