Trong báo cáo tài chính mới công bố, tính lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Viglacera - CTCP đạt trên 342 tỷ đồng, giảm 16,4% so với nửa đầu năm 2019.
Dự báo sẽ gặp khó
Doanh nghiệp (DN) này đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi nằm trong kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước vào cuối năm 2020. Theo dự kiến, tháng 11 - 12/2020, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Viglacera (hiện Bộ Xây dựng đang nắm giữ 38,85% cổ phần).
Tác động của dịch Covid-19 khiến việc thoái vốn nhà nước tại các DN được dự báo sẽ gặp khó khăn. |
Theo giới chuyên gia, Viglacera đang thu hút các cổ đông lớn đang muốn sở hữu toàn bộ Tổng công ty khi Nhà nước có thể hoàn toàn thoái hết phần vốn còn lại tại DN, nếu xét theo ngành nghề.
Tuy vậy, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Viglacera theo cách nào nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia để tối đa hóa lợi ích thu về cho Nhà nước vẫn là dấu hỏi ở phía trước khi “bóng ma” Covid-19 đang trở lại.
Ngoài ra, còn có 4 DN được nắm bởi Bộ Xây dựng sẽ có hạn cuối để thoái vốn vào 30/11/2020, bao gồm: Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty IDICO.
Nếu không thoái vốn thành công trước hạn cuối thì quyền sở hữu cổ phần tại các DN này có thể sẽ chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào thời điểm cuối năm.
Trong báo cáo gần đây, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng thoái vốn nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Thực tế, quá trình thoái vốn nhà nước đã được tiến hành chậm hơn kế hoạch.
Mặc dù thế, vào cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước (DNNN) thực hiện thoái vốn trong năm nay. HSC cho rằng đây là nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ thoái vốn.
Thế nhưng, dịch Covid-19 đang có tác động trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc kế hoạch thoái vốn này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn thực hiện trong quý III và quý IV/2020.
Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị tại Đại học RMIT, nhận định quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu vốn nhà nước trong các DNNN. Quyết định cũng sẽ giúp đảm bảo đủ nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2016 - 2020.
Chờ tối ưu hóa giá trị thoái vốn
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được cho là có tác động tích cực đối với kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai của Chính phủ, khi mà ngân sách đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được dự báo sẽ thâm hụt 5,76% trong năm nay. Ngoài ra, quyết định cũng sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc của DNNN.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ thoái vốn nhà nước tại 138 DN. Nếu cộng thêm 85 DN thuộc danh sách thoái vốn của SCIC thì tổng số DN phải thoái vốn nhà nước trong vòng 6 tháng cuối năm nay sẽ là hơn 220 DN.
TS. Burkhard cho rằng việc thúc đẩy thoái vốn DNNN trong nửa cuối năm 2020 sẽ tạo ra “những cơ hội thú vị cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
“Mặc dù thời điểm hiện tại có thể khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những bất ổn toàn cầu khác, quyết định đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN ngay thời điểm này là sáng suốt, đồng thời cũng giải quyết được tình trạng chậm tiến độ cổ phần hóa”, Ts. Burkhard nói và bổ sung rằng việc chậm triển khai kế hoạch đã và đang là một điểm khiến các nhà đầu tư quốc tế chưa hài lòng.
Việc tăng tốc thoái vốn sẽ giúp tận dụng được mối quan tâm lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam và giá trị cao chưa từng có của thị trường chứng khoán thế giới - điều mà theo Ts. Burkhard cho thấy nhu cầu nắm giữ cổ phiếu vẫn tiếp tục cao trên toàn cầu.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa cũng sẽ giúp tận dụng tối đa những cải cách về bộ nguyên tắc quản trị công ty và việc áp dụng các cơ chế quản trị hiện đại tại các DN Việt Nam.
“Những diễn tiến này giúp tăng tính minh bạch và giảm rủi ro đầu tư cho cổ đông thiểu số, từ đó giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam”, vị chuyên gia của RMIT nhận định.
“Chính phủ nên đưa ra khung pháp lý minh bạch và dễ dự đoán cho các ngành nghề mà những DNNN đang hoạt động”, TS. Burkhard lưu ý.
Ông Burkhard cũng đề xuất một số biện pháp để Nhà nước có thể tối ưu hóa giá trị thoái vốn của các DNNN, bao gồm tăng tính minh bạch của quy trình tổng thể, áp dụng các cơ chế quản trị công ty tiên tiến trên thế giới và chỉ định những tổ chức quốc tế có uy tín cho việc cổ phần hóa.
“Nhà chức trách nên xem xét cắt bớt những tài sản có vấn đề tại mọi DN sẽ cổ phần hóa. Chẳng hạn trong ngành ngân hàng, Chính phủ có thể tiếp quản danh mục nợ xấu trước khi thoái vốn và chỉ cổ phần hóa các tài sản có khả năng tạo ra thu nhập”, TS. Burkhard nói.
Thế Vinh