Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.Theo danh mục này, doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp
Ít doanh nghiệp “khủng”
Những doanh nghiệp trong danh mục được Chính phủ phê duyệt không có nhiều tên tuổi lớn đa phần trong đó là các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý và cũng không phải là những tên tuổi được giới đầu tư chú ý.
Chỉ có một số có thương hiệu, bán với tỷ lệ lớn có thể kể đến như Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp Đồng Nai (công ty mẹ) giảm từ 63,54% xuống còn 36%; CTCP Kinh doanh và đầu tư Việt Hà bán 51%; Giầy Thượng Đình bán 68,67%; Điện tử Giảng Võ bán 65,19%; Giống Gia súc Hà Nội bán 60,35%, CTCP Đồng Xuân bán 71%...
Việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích, là động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán (Ảnh: Inernet) |
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020. Tất cả các doanh nghiệp này đều thuộc Bộ Xây dựng bao gồm: Tổng CTCP Sông Hồng,Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Trong khi đó, những thương vụ thoái vốn được chờ đợi tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), VEAM,Viglacera…thì phải chờ phương án cụ thể. Cùng với đó là hàng loạt doanh nghiệp lùi thoái vốn sang giai đoạn 2021 - 2025.
Thực tế, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Chia sẻ về Quyết định 908 của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Thành – Tổng giám đốc SCIC cho biết, việc thoái vốn nhà nước còn lại theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 không hề đơn giản, vì còn nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành, đặc biệt là tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Cũng theo ông Thành, thoái vốn tại những đơn vị mà tỷ lệ vốn nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 10-20%, hoặc tại những đơn vị mà vốn nhà nước có rất ít, chỉ 10-20 tỷ đồng rất khó, đặc biệt tại những đơn vị mà hoạt động sản xuất, kinh doanh không thực sự tốt. Nếu không linh hoạt, vẫn thực hiện theo các quy định cứng nhắc, thì chắc chắn là rất khó bán, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán như hiện nay.
Nhà đầu tư vẫn quan tâm
Có một thực tế là, thị trường chứng khoán không ổn định luôn là lý do được đưa ra sau mỗi thương vụ “mang cổ phần đến lại mang về”. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19 các chỉ số thị trường chứng khoán giảm sâu.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 thị trường chứng khoán nhanh chóng cho thấy sức đề kháng khá mạnh mẽ với đà hồi phục tương đối nhanh và mạnh. Bên cạnh dòng tiền mới trong nước, khối ngoại bắt đầu có xu hướng mua ròng trở lại thông qua các quỹ ETF mới tham gia thị trường như VNDiamond, VNFinlead... các quỹ ngoại tên tuổi cũng đẩy mạnh giải ngân mua cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Môi giới Chứng khoán SSI, có khá nhiều cổ phiếu trước khi Nhà nước thoái vốn được các nhà đầu tư săn đón bởi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng tích cực có thể là cơ hội “kiếm lời”.
Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp luôn dành sự quan tâm cho các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cho biết, không dễ để doanh nghiệp sớm có thương hiệu, có tên tuổi, thị phần trên thị trường, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước có được lợi thế đó. Nhà đầu tư tư nhân có tiền, đưa các yếu tố quản trị hiện đại vào doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thay đổi về chất.
Còn theo ông Andy Ho, Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam bởi đây là thị trường có thể mang đến mức lợi nhuận lớn hơn so với tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức dưới 0.
Như vậy, cung và cầu đều còn dư địa dù thị trường chứng khoán diễn biến theo chiều hướng nào nhưng lại không dễ gặp nhau. Bởi lẽ, đối với các “cá mập” đầu tư vào cổ phần Nhà nước là với lợi ích tương lai chứ không đổ tiền đầu cơ chờ cổ phiếu tăng nóng kiếm lời.
Ngược lại, thoái vốn, cổ phần hóa có sôi động thị thị trường chứng khoán có thêm nhiều cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn, hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, vấn đề làm sao để đợt “dồn toa” lần này hiệu quả vẫn nằm ở chính các doanh nghiệp.
Linh Đan