Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 1/2017, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp (DN) là gần 1 triệu tấn. Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, riêng tháng 1/2017, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc đã hơn 260 triệu USD (gần 6.000 tỷ đồng). Như vậy, trung bình mỗi ngày trong tháng 1, ngành chăn nuôi đang chi hơn 200 tỷ đồng nhập khẩu thức ăn nhằm phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước.
Đã kéo dài nhiều năm
Năm 2016, Việt Nam đã chi 3,4 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc, tăng 2% giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Riêng các loại ngũ cốc như ngô, sắn,… Việt Nam phải nhập từ 600 triệu USD đến 1 tỷ USD, phục vụ phần lớn cho chế biến thức ăn trong nước, một phần làm dầu thực vật.
Đối với các loại nguyên liệu để pha trộn trong hỗn hợp thức ăn như: khoáng chất, axit amin, vitamin, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu 100%. Nguyên nhân là do hiện nay, nước ta hầu như không có ngành công nghiệp sản xuất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi.
Năm 2015, Việt Nam cũng chi 3,39 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này. Trong đó, nhập 7,7 triệu tấn ngô, tương ứng gần 1,6 tỷ USD vì hiện tại, ngô trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Thậm chí, Việt Nam đang là một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới. Năm 2012, Việt Nam nhập 2,28 triệu tấn. Dự báo đến năm 2017 sẽ nhập 5,2 triệu tấn.
Do vậy, con số nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang lớn nhất trong nhóm hàng nông nghiệp phải nhập khẩu của Việt Nam. Trung bình, mỗi tháng Việt Nam chi hơn 6.000 tỷ đồng chỉ để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nghiêm trọng hơn, con số nhập khẩu những mặt hàng này luôn cao và tăng qua từng năm, thể hiện rõ nhiều bất cập trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp. Các số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta dư thừa gần 7 triệu tấn gạo, trong khi phải nhập khẩu một lượng lớn ngô và ngũ cốc, trung bình 6 – 7 triệu tấn ngô mỗi năm để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
![]() |
Nhiều DN chế biến thức ăn chăn nuôi chuộng ngô ngoại hơn ngô nội vì giá thành rẻ hơn
Do đó, chi phí của ngành chăn nuôi luôn tăng cao, thậm chí trong năm 2016, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại lâm vào cảnh nợ nần, phải “treo chuồng” do giá thành lợn heo giảm mạnh, trong khi chi phí chăn nuôi không ngừng leo thang. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tính toán, trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2010-2015), chi phí của ngành chăn nuôi tại Việt Nam đã tăng 1,5 – 2 lần so với giai đoạn trước đó. Trong khi tỷ trọng đóng góp của ngành chăn nuôi chỉ ở mức 30 – 35% GDP, quy mô tăng 1,5 lần nhưng giá trị ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi gia súc, tăng chưa đầy 6%.
Ngô nội bị “chê”
Điều gì đã xảy ra đối với ngành nông nghiệp khi theo thống kê, hiện nay có khoảng 1,2 triệu ha ngô, cùng hơn 60% dân số nông thôn, vậy mà hằng năm chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập ngô, đậu tương….
Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân đến từ việc mất cân đối trong quy hoạch giữa lúa gạo và các vùng nguyên liệu như ngô, đậu tương…. Đồng thời, đây là hệ quả của việc lâu nay người dân không mấy mặn mà với việc trồng các loại cây này do giá cả bấp bênh.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất là cần nhanh chóng hình thành những vùng nguyên liệu chuyên canh cây nguyên liệu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới và khuyến khích người dân trồng.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Nhà nước cần quy hoạch, hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây ngô, có như vậy mới mở đường cho cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ trồng cây biến đổi gen trong sản xuất.
“Ngô thường của ta hiện đạt năng suất cao lắm 6 tấn/ha nhưng ngô biến đổi gen có thể đạt năng suất 8 tấn/ha. Nếu làm được chuyện này một cách đồng bộ, chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng phụ thuộc nguyên liệu thức ăn của ngành chăn nuôi”, ông Công nhấn mạnh.
Trên thực tế, đây cũng là vấn đề được nhiều DN đưa ra. Theo các DN, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước có giá thành cao hơn hàng nhập khẩu. Như giá thành ngô của chúng ta làm ra đang cao hơn giá nhập khẩu khoảng 1.000 đồng/kg.
Hơn nữa, ngô của Việt Nam chưa có thương hiệu trong khi đa số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là DN có vốn đầu tư nước ngoài, họ luôn ưu tiên sản phẩm có thương hiệu hơn.
Năng suất ngô Việt Nam hiện vẫn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 4,8 tấn/ha, trong khi ở Mỹ, năng suất khoảng 10 – 12 tấn/ha. Do vậy mà nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước không được lựa chọn.
Đồng quan điểm, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chất lượng không đồng đều nên ngô sản xuất trong nước không được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước lựa chọn.
Cùng với đó, sản lượng ngô trong nước sản xuất hiện mới đáp ứng tối đa được 1/3 nhu cầu nguồn nguyên liệu sản xuất, nên dẫn đến chuyện mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu loại cây mà hầu như nhiều gia đình Việt Nam đang trồng.
Ngoài ra, đậu tương cũng là một nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng chúng ta phải nhập phần lớn. Đây chính là bất cập về cơ cấu cây trồng cũng như cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam còn quá manh mún, lạc hậu, nông sản thiếu thương hiệu và năng suất, chất lượng thấp.
Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam ------------------------------- Công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện nay đang cho thấy nhiều yếu kém, tình trạng thừa gạo thiếu ngô và đậu tương là một minh chứng. Nếu còn giữ quy hoạch như hiện nay, dự báo nhiều năm tới, ngành chăn nuôi trong nước vẫn tiếp tục lệ thuộc nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược (Bộ NN&PTNT)------------------------------- Hiện nay, ngành chăn nuôi phụ thuộc lớn vào thức ăn nhập khẩu nên giá trị của ngành không cao, thậm chí chỉ lấy công làm lãi. Còn một số vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân không tham gia được vào chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi cho DN. Trong 5 năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của ngành, giá trị gia tăng thấp đối với người chăn nuôi trong nước. Ông Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô |
Lê Thúy