Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng ngày 21/2, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới cộng đồng các tổ chức quốc tế, trong đó có nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: VPG). |
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Thủ tướng cho biết đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị trí kinh tế - xã hội như hôm nay.
Tuy vậy, năm 2021, Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Thủ tướng cho biết, thời điểm dịch bùng phát vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, Việt Nam cũng có lúng túng, bị động, nên buộc phải dùng biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Song ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đưa ra quyết sách thay đổi tư duy và chiến lược chống dịch, phát động chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân lớn nhất từ trước đến nay. Từ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu dịch bệnh COVID-19.
Trong quý IV/2021, tăng trưởng kinh tế trở lại đạt 5,22%, đưa nền kinh tế của đất nước trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Vượt qua khó khăn của năm 2021, Thủ tướng đánh giá là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; Sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
"Trong lúc khó khăn nhất, tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả các cuộc đối thoại với hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Việt Nam với tinh thần "đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ". Các bạn đã cùng đồng hành giúp Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh gây ra", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Bên cạnh mặt tích cực, Thủ tướng cũng nêu ra những hạn chế còn tồn tại như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa chắc, lạm phát còn chịu nhiều sức ép như giá dầu thế giới tăng mạnh, giá logistics tăng... Nhưng với Việt Nam càng khó khăn, càng phức tạp thì tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự cường tăng lên. Từ đó, bình tĩnh sáng suốt để lựa chọn ra con đường nhằm vượt qua khó khăn, tận dụng những cơ hội.
Bước sang năm 2022, Thủ tướng cho rằng có những công việc thường xuyên cần phải làm nhưng khác năm trước là khôi phục nền kinh tế - xã hội trong điều kiện mới, dù diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Thêm vào đó, bối cảnh cạnh tranh chiến lược rất gay gắt, Việt Nam nằm trong tâm điểm này. Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn.
Năm 2022, Chính phủ cũng thực hiện chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ chi 4% GDP nhằm tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khó khăn và doanh nghiệp vượt khó. Giảm thuế, phí, tiền điện, nước... cho doanh nghiệp và phục hồi thị trường lao động.
Chương trình phục hồi kinh tế tập trung vào phát triển hạ tầng như hạ tầng số, hạ tầng giao thông. Các bộ ngành đang rất tích cực triển khai điều này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm rút ra là muốn xây dựng nền kinh tế tự chủ thì nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản và lâu dài; bên ngoài là quan trọng đột phá.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt nam nhằm hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ, cách thức quản trị mới, nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn những đóng góp của nhà đầu tư và chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong những ngày tháng chống dịch vừa qua, cũng có những mất mát và thiệt thòi.
Người đứng đầu Chính phủ mong tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài giúp Việt Nam phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới đây. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến đóng góp và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Nhật Linh