Hôm nay (21/2), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức Phiên cấp cao.
Các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. |
Ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản rất cảm kích đối với những cải thiện đáng kể liên quan đến một số lĩnh vực sau khi JCCI đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ vào ngày 01/9/2021.
Đó là các biện pháp phòng chống COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp; Khắc phục những gián đoạn trong chuỗi cung ứng; Các vấn đề liên quan đến hỗ trợ thủ tục làm việc của “Chuyên gia”.
Đặc biệt, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã diễn ra thành công với kết quả nổi bật nhất là “Hợp tác phục hồi kinh tế sau COVID-19” cũng như “Hợp tác trong phòng chống COVID-19”.
Ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) |
"Chúng tôi thực sự hy vọng chính sách sống chung với Covid-19 sẽ được tiếp tục triển khai và cải tiến để đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam để thu hút các công ty Nhật Bản. Nhất là phát triển các ngành công nghiệp (hợp tác chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam).
Việt Nam và Nhật Bản luôn là đối tác song phương thân thiết và năm 2023 tới sẽ là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong bối cảnh đó, JCCI đề xuất một số nội dung nhằm góp phần “Khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”.
Cụ thể, những hỗ trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi; Quản lý linh hoạt các khoản cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong nước tại Việt Nam; Cho vay lãi suất thấp, miễn thuế doanh nghiệp, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty startup; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch JCCI cũng đề nghị nâng cấp hạ tầng năng lượng và giảm phát thải carbon: Sớm ban hành Quy hoạch Điện 8. Thực thi linh hoạt Luật PPP, khu vực nhà nước và tư nhân thiết lập được cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP để bố trí kịp thời nguồn tài chính và triển khai đầu tư.
Ông cũng đề xuất làm rõ một số vấn đề để đảm bảo khả năng tiếp cận vốn của các dự án PPP theo Luật và các Nghị định liên quan (Nghị định 28/2021/NĐ-CP và 35/2021/NĐ-CP). Qua đó, tạo cơ cấu tài chính thông suốt từ các Cơ quan Tín dụng Xuất khẩu (ECA) đến các ngân hàng thương mại. Đồng thời, mong muốn Chính phủ Việt Nam có hành động thích hợp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư… Cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, nhiều công ty Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và chính sách Zero-Corona nghiêm ngặt.
“Chúng tôi thực sự hy vọng chính sách sống chung với Covid-19 sẽ được tiếp tục triển khai và cải tiến để đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Inoue Soichi.
Trà My