Sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng đưa ra nhiều lưu ý trong công tác xây dựng quy hoạch (Ảnh: VPG). |
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch.
Đến nay, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia (đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải); quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang…
Chính phủ đang tiếp tục xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình các cấp có thẩm quyền; các bộ, ngành xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các ý kiến đánh giá Nghị quyết 119 đã cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều liên quan tới quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi áp dụng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 có một số quy định mới, các địa phương phải mất thời gian để rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh…
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch.
Theo đó, trước hết phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.
"Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt", Người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Thy Lê