Mới đây, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết đối với điện mặt trời, đến nay, tổng công suất điện mặt trời đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vào vận hành trên 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 5.000 MW.
Nhiều dự án muốn thêm vào quy hoạch
Đối với điện gió, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW.
Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió muốn thêm vào quy hoạch Điện đang cho thấy những bất cập (Ảnh: TL) |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, số lượng và công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian qua là rất lớn (hơn 25.000MW điện mặt trời và 45.000 MW điện gió).
"Các đề xuất này tiếp tục được nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để bảo đảm triển khai quy hoạch tổng thể chung cho thời gian tới, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ ngay trong quý IV/2020.
Dự kiến theo Quy hoạch điện VIII, về nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc.
Nêu quan điểm về việc bổ sung cấp tập các dự án điện mặt trời, điện gió vào quy hoạch điện với công suất rất lớn, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng quy hoạch điện cần có sự ổn định dài hơi và tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, dường như quy hoạch điện của chúng ta chưa thể hiện được điều này.
Trên thế giới đang đẩy mạnh xu hướng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm tỷ trọng nhiệt điện. Song việc phân chia tỷ lệ các nguồn điện trong quy hoạch của Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng này. Vì vậy, thời gian qua, Ninh Thuận, Bình Thuận đã trở thành điểm nóng khi các dự án điện mặt trời phát triển vượt quy hoạch, gây sức ép lên truyền tải điện.
Nói với Thời báo Kinh Doanh, ông Thịnh nhấn mạnh: "Rõ ràng việc quy hoạch của chúng ta trong phát triển điện năng không chú ý vấn đề này, không tính toán tới xây dựng đường truyền tải điện kết nối giữa khu vực sản xuất điện năng với hệ thống điện lưới quốc gia".
Mặt khác, ông Thịnh cho rằng trong xây dựng quy hoạch điện chúng ta vẫn chưa chú ý đến việc phát triển nguồn điện của khu vực tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất nhanh, làm rất mạnh. Vì vậy, trong khi hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất.
Theo ông Thịnh, quy hoạch là tương đối ổn định. Tuy nhiên, quy hoạch của chúng ta xây dựng rất bị động... Khâu quy hoạch chưa tốt, đấu nối không ổn nên xảy ra nhiều vấn đề đầu tư hay không đầu tư.
Khối ngoại thụ hưởng ưu đãi
Đặc biệt, với nguồn điện năng lượng tái tạo, Nhà nước có cơ chế giá mua ưu đãi. Quy định này nhằm khuyến khích DN tư nhân Việt Nam đầu tư phát triển nguồn điện. Do vậy, nhiều DN tư nhân mong muốn xin được vào quy hoạch phát triển điện để được hưởng ưu đãi về giá bán...
"Doanh nghiệp thấy có lợi thì họ làm thôi. Một khi cảm thấy khó khăn, hoặc không có khả năng xin vào quy hoạch điện. Chuyện họ bán cổ phần, bán DN nước ngoài là dễ hiểu" ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, từ việc bán - mua bình thường dễ dẫn tới nguy cơ thâu tóm của DN nước ngoài đối với lĩnh vực năng lượng Việt Nam. "Chúng ta khuyến khích phát triển thị trường năng lượng Việt Nam, tạo ưu đãi cho DN Việt Nam nhưng vô tình những ưu đãi này DN nước ngoài lại thụ hưởng. Lo ngại hơn, việc khối ngoại thâu tóm nhiều dự án điện có thể đe dọa tới an ninh năng lượng quốc gia", ông Thịnh chia sẻ.
Bằng chứng là thời gian gần đây, nhiều dự án điện mặt trời khi đầu tư, vận hành được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư ngoại. Mới đây nhất, thông tin một đại gia trong ngành năng lượng của Thái Lan là Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) mua 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước với tổng diện tích hằng trăm héc-ta sát biên giới Việt Nam - Campuchia gây xôn xao dư luận.
Trước đó, thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với DN Việt Nam, các tập đoàn nước ngoài đã sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió và hưởng giá ưu đãi khoảng 2.000 đồng/kWh trong 20 năm.
Theo ông Thịnh, về lâu dài rõ ràng Việt Nam cần phải thu hút DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhưng đó là với cơ chế thị trường chứ không phải với cơ chế ưu đãi.
Mới đây, trao đổi với báo chí về vấn đề quy hoạch ngành điện, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đặt ra vấn đề: Tại sao cần bổ sung, có phải do quy hoạch chưa đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu của nhà đầu tư và nếu phải bổ sung lượng lớn dự án và công suất, cần phải làm theo nhu cầu của nhà đầu tư trong điều kiện Nhà nước đã đưa giá mua điện mặt trời, điện gió lên cao.
Đồng thời, ông Cung nêu quan điểm, quy hoạch ngành điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư, bởi như vậy sẽ "băm nát" quy hoạch và sau này không thể sửa được. Đối với ngành điện, do tính chất phải có hệ thống truyền tải để tiêu thụ nên phải tính toán rõ ràng trong quy hoạch. Nếu cứ bổ sung nguồn mà hệ thống truyền tải không được bổ sung hoặc không theo kịp tốc độ bổ sung nguồn, Nhà nước sẽ rơi vào thế bị động và cứ phải giải quyết kiểu tình thế đã rồi.
Lê Thúy