Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị XK của các ngành hàng thuộc ngành NN&PTNT, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị.
Sản phẩm nội thất lép vế
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng XK chủ yếu của ngành gỗ, nhưng các sản phẩm nội thất văn phòng của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu.
Số liệu của Trung tâm nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL) cho thấy, trong năm 2018, thị trường đồ nội thất văn phòng ước vượt 50 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất thế giới.
Khoảng 80% lượng tiêu thụ nội thất văn phòng thế giới là từ 10 thị trường lớn: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Canada, Brazil, Pháp, Anh và Australia.
Xu hướng tiêu thụ đồ nội thất văn phòng trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là các sản phẩm nội thất đa chức năng và thông minh mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để đẩy mạnh XK đồ nội thất văn phòng, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng các nhà sản xuất của Việt Nam cần tập trung thiết kế và phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng trên thị trường toàn cầu.
Với đồ nội thất nhà bếp, trị giá XK đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng thị phần của Việt Nam trong tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới vẫn còn rất thấp. Theo Trademap (Trung tâm thương mại quốc tế – ITC), trong giai đoạn từ năm 2013-2017, nhập khẩu đồ nội thất nhà bếp toàn cầu đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD/năm và được CSIL dự báo sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Mỹ là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao nhất.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, nửa đầu năm 2019, XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,6 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Các yếu tố hỗ trợ ngành gỗ trong thời gian tới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tạo thuận lợi cho ngành gỗ khai thác các thị trường tiềm năng.
Ngành gỗ cần áp dụng công nghệ vào các khâu trong chế biến |
Chưa chuyên môn hóa
Ngoài ra, CPTPP và EVFTA đang tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp gia tăng cơ hội sản xuất chế biến gỗ; các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh từ Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho ngành gỗ đẩy mạnh XK.
Đặc biệt, nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ của thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Theo CSIL, dự báo tiêu thụ đồ nội thất toàn cầu năm 2019 vẫn tích cực, trong đó châu Á dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng đáng kể như: Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, châu Âu…
Tiềm năng của ngành gỗ thấy rõ nhưng "nút thắt" lớn nhất của ngành này vẫn là vấn đề nguyên liệu. Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết khó khăn lớn nhất của ngành gỗ là nguồn cung nguyên liệu. Nếu muốn đạt mục tiêu năm 2025 ngành lâm nghiệp đạt 20 tỷ USD kim ngạch XK cần quan tâm hơn nữa vấn đề nguồn cung cấp nguyên liệu.
"Nếu đến năm 2025 không có 60 triệu m3 gỗ, trong đó gỗ trong nước là 50 triệu m3, ngành lâm nghiệp sẽ khó đạt được mục tiêu mà Thủ tướng đã đặt ra", ông Quyền khẳng định.
Hiện nay, diện tích đất trồng rừng trong nước đã hạn chế và thậm chí đã hết. Tính hết tất cả quỹ đất cũng chỉ có 5 triệu héc ta rừng, trong đó có khoảng 3,5 triệu héc ta rừng sản xuất. Vì vậy, ông Quyền cho rằng cần phải trồng rừng theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng gỗ.
Bên cạnh đó, ngành gỗ phải áp dụng công nghệ vào các khâu trong chế biến, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những khó khăn mà ngành gỗ nêu ra là khá xác đáng và ngành này cần phải tháo gỡ ngay. Thủ tướng nhấn mạnh, khó khăn nhất của ngành gỗ hiện nay là tư duy sản xuất gia đình, nhỏ lẻ, thiên về gia công sản phẩm mà chưa chuyên môn hóa trong sản xuất.
Thy Lê