Báo cáo Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.HCM và Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết tính đến hết 2018, tổng số dự án FDI đăng ký trong ngành gỗ là 984. Tuy nhiên, đã có 117 doanh nghiệp đóng cửa. Số doanh nghiệp còn lại đang hoạt động là 867. Tổng số vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp đến hết năm 2018 là khoảng 5,5 tỷ USD. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp là 201.794 người.
Toàn cảnh hội thảo |
Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số lượng các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia này theo con số đăng ký lần lượt chiếm 25%, 18%, 12% và 8% trong tổng số các doanh nghiệp FDI đăng ký. Số doanh nghiệp FDI của 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành gỗ.
Về tỷ trọng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp FDI từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này có tỷ trọng vốn đăng ký lần lượt là 19%, 8%, 7% và 11%.
Các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản có lượng đứng thứ 4, tuy nhiên tỷ trọng nguồn vốn đăng ký đứng thứ 2.
Nhìn chung, các dự án FDI của ngành gỗ có quy mô vốn tương đối nhỏ, trung bình khoảng 4-5 triệu USD/mỗi dự án.
Tính về số lượng dự án FDI, Bình Dương là tỉnh có số lượng FDI hoạt động trong ngành gỗ lớn nhất, với số lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động chiếm gần 53% tổng số các doanh nghiệp FDI đăng ký. Tiếp đến là TP.HCM (10,4%) và Đồng Nai (9%).
Xét về quy mô vốn đăng ký đầu tư, Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu. TP.HCM có số lượng các dự án lớn, tuy nhiên, tỷ trọng vốn của các doanh nghiệp tại địa phương này trên tổng vốn vốn đầu tư lại rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng vốn đầu tư của các dự án FDI, nhỏ hơn nhiều so với con số tỷ trọng của các dự án FDI tại Đồng Nai (26,2%), Hà Nội (5,9%) hay Bình Phước (5,4%) mặc dù các tỉnh này có số lượng các dự án FDI ít hơn.
Tỷ trọng về lao động của các dự án FDI của các địa phương có xu hướng tương đồng với tỷ trọng của vốn đăng ký của các dự án. Bình Dương là tỉnh dẫn đầu trong danh sách trong việc thu hút lao động. Tiếp đến là Đồng Nai và TP.HCM.
Lê Thúy