Sáng 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian phân tích về giá điện. |
Thủ tướng đã dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.
Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.
Về giá điện, "giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được", Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó nguyên tắc là nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, mặt hàng này ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên việc điều chỉnh cần báo cáo Thủ tướng.
"Tăng giá điện tới đây sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân, nhưng cần Thủ tướng có ý kiến mới thực hiện", Thứ trưởng Công Thương chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam,…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng đề xuất của EVN.
Về việc xử lý khoản lỗ của EVN, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan để rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Nhật Linh