Tại một hội nghị mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chia sẻ năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí “ăn theo” giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay. Do nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố nêu trên, tình hình tài chính của EVN năm 2022 và thời gian tới có rất nhiều khó khăn.
Mất cân đối tài chính, EVN muốn điều hành giá điện như xăng dầu
Cũng theo lãnh đạo EVN, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Điều hành giá điện như xăng dầu có khả thi? |
Chính vì vậy, EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho phép áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện: khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Trao đổi với VnBusiness về đề xuất này, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm xăng dầu và điện là hai ngành năng lượng và đều chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Hiện, cơ chế thị trường đang dần vận hành đối với thị trường xăng dầu, cũng là lúc chúng ta nên tính tới thực hiện đối với mặt hàng điện.
Tuy nhiên, do đặc thù của hai ngành khác nhau, GS. Trần Đình Long, nêu quan điểm để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như xăng dầu thì rất khó bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng dầu mua hàng ngày. Do vậy, cơ quan quản lý có thể xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh, và điều chỉnh với biên độ ra sao. Nếu giới hạn thấp, EVN được phép điều chỉnh và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước nhưng nếu biên độ cao thì phải xin phép trước.
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho hay đã có đề xuất nên xem xét điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần, điều này nhằm mục đích đưa mặt hàng này vận hành sát cơ chế thị trường, có tăng – có giảm theo thị trường.
Đảm bảo sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá thực tế việc giá điện đứng im 3 năm nay không thay đổi cũng đang khiến EVN đứng trước thách thức lớn về chi phí, lợi nhuận, chỉ số lợi nhuận… Do vậy, khả năng trong thời gian tới, giá điện phải được điều chỉnh tăng.
Ông Doanh đồng tình với phương án giá điện sẽ tăng, tuy vậy vị chuyên gia này cho rằng mức tăng bao nhiêu cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
“Hiện nay, nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động lớn tới sự phục hồi, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường quốc tế”, chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý.
Còn câu chuyện để điều chỉnh giá điện như giá xăng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng rất khó khả thi bởi cơ chế vận hành của thị trường điện khác xăng dầu, nói cách khác là thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Vì vậy, nếu sắp tới, EVN đề xuất tăng giá điện thì cũng cần tới hội đồng độc lập gồm các chuyên gia có kinh nghiệm thẩm định những lý do, chi phí giá thành sản xuất, đầu tư của đơn vị này để tạo sự minh bạch.
Chia sẻ với truyền thông, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Trong năm 2022, dự kiến ngành điện sẽ thua lỗ trên dưới 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vì gia đình nào cũng đều phải sử dụng điện như một sản phẩm thiết yếu. Thậm chí có thể dẫn tới một bộ phận không nhỏ gia đình vừa thoát nghèo không khéo lại tái nghèo, còn với hộ nghèo mong thoát nghèo sẽ càng khó khăn hơn.
Cùng với đó, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Việt Nam có tới 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn, yếu kém về tài chính, giờ thêm giá đầu vào sản xuất tăng. Sau quá trình trải qua dịch COVID-19, giờ lại thêm một cú sốc nữa, liệu rằng doanh nghiệp có chịu đựng được hay không?
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương EVN đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát đề xuất này theo Quyết định 24. Giá đầu vào sản xuất điện tăng nên cần điều chỉnh giá bán lẻ nhưng tăng ở mức nào thì phải rà soát, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ông Phạm Văn Việt Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) Trung bình, mỗi tháng một nhà máy của VitaJean tiêu tốn khoảng 600 – 1 tỷ đồng tiền điện, giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đấy. Trong khi đó, thị trường đầu ra hiện nay rất khó khăn bởi lạm phát tăng mạnh, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn đang khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên. Do vậy, nếu giá điện tăng thì cũng không thể tính vào chi phí sản xuất được, bởi như vậy sản phẩm sẽ không cạnh tranh được với đối thủ của các nước khác. Doanh nghiệp mong muốn nếu giá điện trong nước bắt buộc phải tăng trong thời gian tới thì cần có lộ trình sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị và tăng với mức độ phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp. TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Trong hơn 3 năm trở lại đây, chúng ta chưa tăng giá điện và nếu tính tới năm 2023 thì sẽ là 4 năm. Trong khi đó, rõ ràng lạm phát, chi phí, giá cả, đặc biệt là chi phí đầu vào của ngành điện tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua như: Giá than, giá khí đốt,... Tuy nhiên, việc tăng giá điện cần phải được tính toán kỹ, trong đó xét tới yếu tố phù hợp, tức là phải giảm áp lực tài chính quá lớn cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời phải bóc tách được số lỗ xảy ra ở đâu. |
Lê Thúy