Trong buổi kết nối mới đây ở Tp.HCM giữa một số doanh nghiệp (DN) nông nghiệp với những đối tác xúc tiến đưa hàng Việt đi các thị trường thế giới, đứng ở góc độ là một đối tác nhập khẩu nông đặc sản Việt vào thị trường Australia, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, nhấn mạnh điều quan trọng là các DN Việt phải tìm ra được những đặc trưng nhất trong sản phẩm mình và “thổi hồn” vào đó.
Tạo giá trị gia tăng cho nguyên liệu bản địa
Theo ông Luận, nếu các DN nhắm đến thị trường tiêu dùng là cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì họ nên tập trung vào một số mặt hàng là những món ăn truyền thống, cần chọn lọc, ưu tiên những dòng phù hợp. Bởi vì cộng đồng người Việt rất thích những đặc sản của quê hương Việt Nam, từ bánh tráng cuốn, trái cây chế biến, bún miến, mì…
Biết “thổi hồn” vào sản phẩm từ nguồn nguyên liệu bản địa sẽ giúp các DN Việt trong ngành hàng nông đặc sản chinh phục được khách hàng quốc tế. |
Vị giám đốc này dẫn chứng như trường hợp một loạt sản phẩm được chế biến, “thổi hồn” từ mật hoa dừa của một nhà sản xuất trẻ ở Trà Vinh đã bán hàng rất chạy tại thị trường Đức với doanh số bán hàng của nhà phân phối rất “khủng”.
Có thể thấy ở mỗi tỉnh, thành trong nước đều có ít nhất là một hoặc vài sản phẩm nông đặc sản nổi tiếng. Và quan trọng hơn, những tài nguyên bản địa này đã được nhiều nhà sản xuất trẻ tận dụng, chế biến ra nhiều sản phẩm đặc sắc, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm quê hương, nâng tầm đặc sản địa phương.
Nhất là để đưa thế mạnh tài nguyên bản địa vươn xa trên thị trường xuất khẩu (XK), đòi hỏi các DN làm nông nghiệp cần có sự sáng tạo, biết “thổi hồn” ở khâu chế biến để tạo nên những sản phẩm mới mang tính đặc trưng, đậm bản sắc của địa phương và không ngừng cải tiến chất lượng.
Giới chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố nền tảng mà các DN trong ngành hàng nông đặc sản cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường quốc tế là phải tạo ra được giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa cộng với tác động của công nghệ.
Chẳng hạn như tại tỉnh Tây Ninh, nơi nổi tiếng là vùng trồng cây khoai mì (còn gọi là cây sắn) lớn thứ hai cả nước với 61.000 ha, từ nguyên liệu bản địa phong phú này, thay vì chăm chăm XK thô, đã có không ít DN tận dụng công nghệ để sáng tạo, chế biến thành những món đặc sản hấp dẫn người tiêu dùng quốc tế.
Điển hình là Công ty TNHH Tân Nhiên với sản phẩm bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước được chế biến từ khoai mì đã xuất đi nhiều quốc gia, lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản trong vài năm trở lại đây và sắp tới sẽ là Mỹ (trong tháng 7/2024 có hai đơn vị đã đặt hàng của để xuất đi Mỹ).
Như chia sẻ của tổng giám đốc công ty này là ông Đặng Khánh Duy, đó là nhờ một quá trình làm việc và am hiểu về khoai mì để từ đó sáng tạo ra những món đặc sản truyền thống từ nguồn nguyên liệu bản địa này. Bên cạnh đó, công ty cũng luôn đề cao hai từ khóa là “tử tế” và “khác biệt” trong sản phẩm. Đó là “tử tế, làm sạch”, tử tế trong mọi khâu, mọi việc đến khi sản phẩm ra thị trường đến tay khách hàng. Còn “khác biệt” là sản phẩm có nhiều điểm khác biệt so với sản phẩm theo cách làm truyền thống.
Biến chuyển tích cực nhờ công nghệ mới
“Chỉ với món bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước, chúng tôi đã có thể tự tin mang đi chào hàng cho bất cứ đối tác nước ngoài nào. Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng đương nhiên phải có, thì tiêu chuẩn mỏng không nhúng nước của là điều mà công ty rất tự tin về sản phẩm của mình”, ông Duy nói.
Không chỉ vậy, ngoài bánh tráng siêu mỏng không nhúng nước, theo ông Duy, công ty cũng đang phát triển rất nhiều sản phẩm khác từ khoai mì, như muối, bánh tráng trộn và đang hiện diện trên nhiều siêu thị ở nước ngoài.
Từ đó để thấy việc “thổi hồn” khâu chế biến để giúp tài nguyên bản địa như khoai mì vươn xa là rất đáng khích lệ. Nhất là trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu, việc tìm kiếm và phát triển những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu xanh, bền vững như khoai mì lại càng trở nên vô cùng quan trọng.
Điều này cũng góp phần hiện thực hóa Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Bộ NN&PTNT phê duyệt hồi tháng 4/2024 với mục tiêu đến năm 2030 đưa kim ngạch XK khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì đạt 1,8-2,0 tỷ USD.
Quan sát việc các nhà sản xuất trẻ trong nước ngày càng chú tâm vào khâu chế biến nông đặc sản để hướng đến XK, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định đã có sự biến chuyển từ khi chúng ta đưa ra công thức phát triển tài nguyên bản địa, áp dụng công nghệ mới. Nếu cạnh tranh về công nghệ so với một số quốc gia tiên tiến, chúng ta có thể thua, nhưng cơ hội cho các nhà sản xuất của Việt Nam là tận dụng được những nguyên liệu bản địa mà quốc gia khác lại không có.
Theo bà Hạnh, tín hiệu tích cực là đang dần xuất hiện một tầng lớp những nhà sản xuất trẻ say mê đi khai thác các tài nguyên bản địa của quê hương mình. Chỉ bằng cách khai thác tài nguyên bản địa quê hương như thế, những nhà sản xuất này đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm mới và đi thẳng vào các công nghệ chế biến, biến các sản phẩm thô sơ bản địa thành các sản phẩm đặc sắc để có thể XK đi khắp nơi trên thế giới.
“Nếu không có những nhà sản xuất quyết tâm làm giàu từ sản phẩm bản địa, quê hương, vượt qua tất cả những cái khó khăn, chúng ta sẽ không tạo giá trị gia tăng cho nông nghiệp Việt Nam được. Và giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm Việt Nam đi ra thế giới”, vị chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao bộc bạch.
Thế Vinh