Trong cuộc làm việc mới đây giữa Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) với Tổng cục Hải quan, một trong những vấn đề chính được nêu ra là tình trạng “lật kèo” của các nhà cung cấp điều thô từ nước ngoài.
“Nút thắt” nguyên liệu đầu vào
Cụ thể, như kiến nghị của Vinacas, cần có biện pháp xử lý với các nhà cung cấp điều thô nước ngoài vi phạm hợp đồng đã ký với đối tác Việt Nam. Đó là hàng đã tới cảng, đã đưa vào kho ngoại quan hoặc đang vận chuyển trên biển nhưng đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy hàng bán cho người mua khác với giá cao hơn.
Giá cước container tăng vọt trở lại đang tạo áp lực rất lớn cho các DN xuất khẩu nông sản. |
Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến điều trong nước trong tháng 5 và tháng 6/2024 chỉ nhận được khoảng 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua từ các đối tác châu Phi, dẫn tới thiếu hụt nguyên liệu và gặp áp lực khi thực hiện các đơn hàng xuất khẩu (XK).
Bởi lẽ, một số đối tác Tây Phi đòi hỗ trợ tăng giá, trì hoãn giao hàng hoặc không gửi bộ chứng từ để nhà sản xuất Việt Nam nhận hàng. Thậm chí các lô điều đang đi trên biển còn tiếp tục được chào hàng với giá cao hơn.
Từ chuyện này sẽ thấy vấn đề của các DN xuất khẩu hạt điều là lâu nay phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên khi nhà cung ứng điều thô nước ngoài (như Châu Phi) có biểu hiện “lật kèo” như thời gian gần đây, sẽ dẫn tới rủi ro rất lớn khi phải thực hiện đúng các hợp đồng XK vào nửa cuối năm nay.
Không chỉ riêng ngành điều, rủi ro thiếu hụt nguyên liệu là mối lo chung hiện nay của các DN chế biến nông sản XK dẫn tới đối mặt nguy cơ bị phạt hợp đồng, thậm chí mất đơn hàng. Đơn cử như ở ngành thủy sản. Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), cho biết có chút quan ngại về tình hình nguyên liệu nửa cuối năm nay. Bởi vì giá tôm, cá tra nguyên liệu sụt giảm, các hộ nuôi thua lỗ, có thể sẽ bỏ ao hàng loạt, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.
Không chỉ vậy, bà Hằng còn chỉ rõ nguyên liệu hải sản đã thiếu lại càng khó hơn vì vướng vào các quy định mới tại nghị định 37, nghị định 38 mới ban hành hồi tháng 4/2024 và có hiệu lực từ 19/5/2024.
“Các quy định như kích thước tối thiểu một số loài khai thác và XK chủ lực, quy định cấm trộn lẫn nguyên liệu trong nước và NK vào cùng một lô hàng XK, quy định thông báo trước 72h và 48h đối với các tàu nước ngoài và tàu container nhập khẩu…khiến cho việc tuân thủ rất khó khăn. Do vậy, nguồn nguyên liệu càng thêm thắt chặt”, vị giám đốc truyền thông của Vasep lưu ý.
Và chính bất cập này, nên các DN xuất khẩu cá ngừ đã lo lắng mục tiêu 1 tỷ USD XK cá ngừ khó đạt được trong năm nay trước những nút thắt nguyên liệu quá chặt như hiện nay.
Mối băn khoăn của các DN chế biến nông sản về nguyên liệu cũng có thể thấy rõ trong báo cáo mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến. Cụ thể, đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, có 44,9% DN kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và 30,5% DN kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương phải ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Mặt khác, đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho DN, có 50,1% DN trong ngành công nghiệp chế biến kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để DN có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Bất an trước giá cước container
Ngoài mối lo về nguyên liệu đầu vào, các DN xuất khẩu nông sản trong nửa cuối năm nay đang bất an trước vấn đề giá cước vận tải không ngừng tăng. Điều này khiến cho DN có thể gặp thiệt hại, chịu lỗ đối với những đơn hàng đã hợp đồng từ trước. Nhất là những trường hợp DN bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển) nên khi cước phí vận tải biển tăng lên thì họ cũng phải chịu chi phí tăng thêm này.
Như trường hợp CTCP Phúc Sinh (chuyên XK cà phê và các mặt hàng gia vị) thời gian gần đây phải trả thêm 5.000 USD cho mỗi container XK khi giá cước vận chuyển hồi tháng 4/2024 là khoảng 2.700 USD/container, nhưng đến tháng 6/2024 đã tăng lên gấp 3 lần, với mức giá gần 8.000 USD/container.
Trên bản tin ngày 1/7 của Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) có dẫn thông tin từ trang Drewry (Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập) cho biết dự kiến giá cước vận chuyển từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do các vấn đề tắc nghẽn tại các cảng châu Á.
Hồi tháng 6/2024, giá cước tàu nhiều chuyến quốc tế đã tăng 100% so với 3 tháng trước đó. Trong đó giá cước tàu đi Mỹ tăng hơn gấp đôi. Giá cước container 40 feet hồi tháng 3/2024 là 2.950 USD nhưng đến nay tăng lên tới 7.350 USD.
Chính vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong nửa cuối năm nay đòi hỏi các DN xuất khẩu nông sản cần tìm phương án giảm bớt chi phí cước tàu. Trong đó, phương án tìm nhà cung cấp thay thế tạm thời, nhằm không gánh một chi phí lớn về cước phí.
Hơn thế nữa, các cơ quan quản lý có liên quan cũng cần thực thi những giải pháp giúp hoạt động XK nông sản giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại. Chẳng hạn như Cục Hàng hải Việt Nam trong tháng 6 vừa qua đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các DN cảng biển container, các hãng tàu, đại lý tại khu vực phía Bắc và phía Nam.
Nhất là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát giá dịch vụ tại cảng biển, giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển, phụ thu ngoài giá dịch vụ tại cảng. Từ đó góp phần giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Thế Vinh