Báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa công bố của CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,9 tỷ đồng. Đây được xem là bước khởi sắc đáng kể khi mà cùng kỳ năm ngoái họ đã lỗ gần 383 tỷ đồng.
Phải năng động tích cực hơn
Từ chỗ có mức lỗ lớn, nay đã “trở mình” được lợi nhuận như vậy là điều rất đáng khích lệ trên bước đường mà công ty nêu trên tìm kiếm động lực tăng trưởng. Mới đây, khi bàn về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm 2024, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Thaco Agri, nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng khi triển khai thực hiện phải đáp ứng được yêu cầu về chiến lược.
Để tìm động lực tăng trưởng đòi hỏi các DN ngành hàng nông sản cần có những bước đi căn cơ mang tính chiến lược và cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp. |
Công ty này hiện có chiến lược đầu tư nông nghiệp quy mô lớn trên diện tích hơn 84.000 ha tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Qua đó thực hiện mục tiêu nâng sản lượng xuất khẩu chuối lên 260.000 tấn, thu hoạch mủ cao su với sản lượng dự kiến 14.400 tấn, nâng đàn bò đến cuối năm lên 151.500 con, tổ chức chăn nuôi heo với tổng đàn 136.600 con.
Trong nửa cuối của năm 2024 và năm 2025 là giai đoạn mà Thaco Agri “tập trung đầu tư hoàn thiện mô hình khu liên hợp sản xuất nông nghiệp tích hợp/tuần hoàn với quy mô lớn mang tính công nghiệp”. Còn trong 2 - 3 năm tới, công ty này tiến đến mục tiêu “hình thành nền kinh tế nông nghiệp tích hợp/tuần hoàn; đạt năng suất - chất lượng - hiệu quả trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất kinh doanh”. Như lưu ý của ông Trần Bá Dương, tính tích hợp tuần hoàn là cốt lõi của sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ công ty kể trên, với các doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành hàng nông sản, điều mong muốn chung là tìm kiếm động lực tăng trưởng sao cho phù hợp với mục tiêu chiến lược, thế mạnh của mình và giảm thiểu được rủi ro.
Như chia sẻ về động lực tăng trưởng ở ngành tôm của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), đó là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường, lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút.
Tuy nhiên, ông Lực cũng nói rõ động lực này sẽ bị cản trở nếu giá cả không phải chăng. Đó là nút thắt cổ chai ngành tôm hiện nay, bởi giá thành tôm nuôi của ta còn quá cao, đội giá thế giới. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn quá cao do nhiều yếu tố, như chất lượng tôm giống, môi trường nuôi, nguồn vốn nuôi…
Chính vì vậy, theo vị chủ tịch của FMC, khâu chế biến xuất khẩu phải năng động tích cực hơn bao giờ hết, như giải pháp nghiên cứu mặt hàng mới. Hoặc như việc tìm kiếm khách hàng mới thông qua hoàn thiện mình đáp ứng các yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp, thực thi các giải pháp bền vững (như lộ trình giảm phát thải).
Bước đi căn cơ mang tính chiến lược
Xét về ngành tôm, theo chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), sau khi vượt khó nửa đầu năm thì các DN xuất khẩu tôm nỗ lực tăng tốc nửa cuối năm. Đối mặt với rất nhiều khó khăn đòi hỏi các DN xuất khẩu tôm luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình.
Ví dụ như thị trường Hoa Kỳ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hầu hết DN đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…Có DN thì chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.
Hoặc như ở lĩnh vực chăn nuôi. Gần đây CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo vào cuối năm nay với tổng đàn dự kiến đạt 75.000 con heo nái và 800.000 con heo thịt, gấp đôi so với cuối năm 2023. Công ty này cũng dự kiến khởi công thêm 6 dự án trang trại.
Để lợi nhuận có tăng trưởng bứt phá, BAF đang xây dựng và liên tục hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín Thức ăn – Trang trại – Thực phẩm nhằm kiểm soát toàn diện nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt cũng như mạng lưới phân phối.
Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BSC, cơ cấu sản xuất đã có sự dịch chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp (thị phần tăng từ 30% lên 50%-60%) khi thị phần nông hộ giảm bởi dịch bệnh, thua lỗ từ 2018-2024 và các DN chăn nuôi hiện đại đón đầu xu hướng luật Chăn nuôi có hiệu lực vào 1/1/2025.
Phía BSC kỳ vọng các DN chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh sẽ còn dư địa phát triển trong trung hạn. Điều này nhờ vào lợi thế quy mô, tối ưu hóa hoạt động, chuỗi giá trị hoàn chỉnh (theo mô hình 3F với chuỗi cung ứng khép kín từ trang trại đến bàn ăn).
Giới phân tích cho rằng “chìa khóa” cho tăng trưởng trung hạn của các DN chăn nuôi nằm ở tối ưu chi phí sản xuất. Cụ thể, về thức ăn, các DN chủ động tìm nguồn nguyên liệu trộn thức ăn và thời điểm thu mua nguyên liệu. Về con giống, DN chủ động nguồn giống có chất lượng. Hơn nữa, các công ty cần áp dụng hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Và chính từ việc tối ưu chi phí sản xuất giúp DN tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động (đơn cử như giá heo hơi).
Nói chung, để các DN ở ngành hàng nông sản tìm được động lực tăng trưởng trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là những bước đi căn cơ mang tính chiến lược và cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt các mục tiêu với tầm nhìn xa. Cơ hội sẽ đến nhiều hơn với họ từ sự năng động tích cực hơn (đặc biệt là trong khâu chế biến xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng kênh phân phối, đón đầu xu hướng), cũng như giải quyết được vấn đề hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Thế Vinh