Bàn về chuyện xuất khẩu (XK) rau quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, nhấn mạnh đến việc các nhà XK Việt phải tạo ra được bản sắc thương hiệu trên thị trường quốc tế cho sản phẩm rau quả.
Phải tạo dựng bản sắc thương hiệu
Dẫn chứng về tính hiệu quả của một số thương hiệu trái cây ngoại, ông Tùng cho rằng, các doanh nghiệp Việt cũng cần phải làm như vậy.
“Vừa rồi chúng tôi đã làm thương hiệu rất thành công với trái dừa xiêm Bến Tre xuất sang Mỹ, rồi tiếp đến là xoài Cao Lãnh với những đặc trưng rất riêng để đi vào lòng người tiêu dùng quốc tế”, ông Tùng nói.
Để tạo đột phá mới trong xuất khẩu rau quả thì các DN cần tạo dựng bản sắc thương hiệu cho trái cây Việt trên thị trường quốc tế. |
Vị Tổng giám đốc của DN hàng đầu Việt Nam trong mảng XK rau quả cho rằng, trong khi người nông dân đầu tư vào việc trồng trọt của họ thì các doanh nghiệp XK cũng cần đầu tư vào thương mại, đầu tư vào thương hiệu.
Chẳng hạn, với thương hiệu Bến Tre cho một số loại rau quả XK, trong chuyến “xông đất” đầu năm mới ở địa phương này và tìm hiểu dây chuyền sản xuất của một số Hợp tác xã, doanh nghiệp XK trái cây ở Bến Tre như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Mê-kông, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, CTCP Đầu tư dừa Bến Tre…, đoàn đại sứ Việt Nam tại các nước đã cam kết sẽ kết nối với đối tác phù hợp để hỗ trợ thâm nhập sâu vào thị trường sở tại bằng thương hiệu Bến Tre.
Thông qua buổi gặp gỡ với đoàn đại sứ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre - ông Trần Văn Đức cho biết, các DN kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường XK hàng nông sản, nông sản chế biến tại châu Âu trong năm 2022.
Nhất là mở ra đột phá mới về việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm trái cây của chính DN Bến Tre tại thị trường nước ngoài thay vì phải chấp nhận buôn bán qua trung gian và ẩn dưới tên tuổi của doanh nghiệp các quốc gia khác như trước đây.
Ngoài chuyện thương hiệu, điều quan trọng chính là việc thiết lập mối liên hệ với cơ quan đầu mối tại địa phương và các DN nhằm kịp thời cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị trường các sản phẩm rau, quả tại nước sở tại để các DN chủ động xây dựng kế hoạch kết nối giao thương.
Có thể nói, năm 2022 vẫn còn đối mặt không ít thách thức từ đại dịch Covid-19 nhưng nhiều DN ngành hàng rau quả ở các địa phương vẫn đặt kỳ vọng sẽ có những bước ngoặt mới mang tính hiệu quả hơn trong hoạt động XK.
Số liệu XK rau quả trong tháng đầu của năm 2022 đã phần nào hiện thực hoá kỳ vọng này khi đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021. Những đánh giá cho thấy đây là mức doanh thu XK ấn tượng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn từ thị trường Trung Quốc. Nhất là các DN đã duy trì XK xuyên Tết Nguyên đán, với những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia…
Tăng chế biến, kết nối giao thương và phát triển trục vận tải mới
Như với CTCP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (Tp.Long Khánh, Đồng Nai) trong tháng 1/2022 đã xuất 5 container chứa 95 tấn trái cây chế biến vào thị trường Nga và Hàn Quốc. Điều đó cũng tạo ra sự kỳ vọng trong năm 2022, ngành chế biến rau quả ở Đồng Nai sẽ tiếp tục khởi sắc, gặt hái nhiều thành công.
Theo chia sẻ của ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch của DN này, dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới, tăng công suất chế biến thêm gấp nhiều lần so với hiện tại. Nhất là khi nhiều loại trái cây tươi gặp khó khăn về XK, thời gian qua DN đã tăng cường thu mua đưa vào chế biến, góp phần gỡ bớt khó khăn cho nông dân.
Số liệu mới đây cho thấy, dự kiến sản lượng thu hoạch các loại cây ăn trái tại các tỉnh, thành phía Nam trong quý I/2022 đạt hơn 1,8 triệu tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 69%, vùng Đông Nam Bộ 13%, duyên hải Nam Trung Bộ 14% và Tây Nguyên chiếm 4%.
Với sản lượng dự kiến nêu trên, ngoài việc chú trọng chế biến sâu phục vụ XK thì điều mong đợi chính là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường nước ngoài.
Trong đó, vai trò của đại sứ, thương vụ của Việt Nam ở các nước là rất quan trọng nhằm xây dựng kênh thông tin hiệu quả với các địa phương nhằm đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại mang tính đột phá trong năm nay.
Ngoài ra, khi mà vận tải biển vẫn còn gây khó cho hoạt động XK rau quả thì việc phát triển trục vận tải mới (đơn cử như đường sắt) là điều mà các nhà quản lý và DN cần phải tính tới.
Giáo sư Eric Mottet, trường Đại học Công giáo Lille (Pháp) cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần gia tăng sử dụng mạng lưới đường sắt để xuất hàng sang châu Âu.
Theo giáo sư Eric Mottet, đây là một loại hình vận tải mới, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam XK sang châu Âu trong khi Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA). Đối với Việt Nam, điều đáng quan tâm là hình thức vận tải này có chi phí hấp dẫn và nằm trong khung thời gian hợp lý, đáng tin cậy. Đặc biệt, mỗi chuyến tàu hỏa chở hàng sang châu Âu mất khoảng 30 ngày, ít hơn thời gian vận chuyển bằng đường biển đến 15- 20 ngày.
Thế Vinh