Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây ở các tỉnh phía Nam, giá cước vận chuyển đang vượt ngoài tầm kiểm soát của DN khiến cho việc xuất khẩu (XK) trở nên “đau đầu” hơn trong việc lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp để đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
“Méo mặt” giá cước
Chẳng hạn như giá cước trên tuyến vận tải biển từ cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Bờ Đông nước Mỹ trong những ngày đầu tháng 8/2021 thấp nhất là 8.000 USD và cao nhất ở mức 14.250 USD đối với mỗi container 40 feet (bao gồm phụ phí).
Để nâng sức cạnh tranh đòi hỏi các DN XK trái cây linh động, đa dạng trong việc lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp. |
Nếu so với đầu năm 2020 thì giá cước này đã cao gấp 14 lần. Còn giá cước vận tải biển đi châu Âu đã lên tới 13.000 USD/container 40 feet.
Với tình hình giá cước như vậy, nhiều doanh nghiệp XK trái cây đang đắn đo là tiếp tục xuất đi hay phải dừng lại, khi ở phía sau họ là sản lượng lớn trái cây thu hoạch rộ đang cần được tiêu thụ và XK.
Đơn cử như quả nhãn tại Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ với sản lượng hơn 11.600 tấn trong các tháng tới. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại tỉnh này, khiến việc tiêu thụ quả nhãn gặp khó khăn, nhất là khâu vận chuyển và chi phí logistics.
Ở khâu vận chuyển, các xe chở nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ ở Đồng Tháp phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Trong khi đó, trái nhãn có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên ảnh hưởng thời gian vận chuyển đến các đơn vị, doanh nghiệp thu mua.
Trong khi đó, quả nhãn Đồng Tháp được cho là có cơ hội lớn để mở rộng XK, kể cả các thị trường khó tính như EU. Tuy nhiên, điều mà các DN băn khoăn là nếu vận chuyển quả nhãn tươi bằng đường hàng không sẽ rất đắt đỏ, còn vận chuyển bằng đường biển thì chi phí sẽ thấp hơn (dù vẫn đang ở mức cao) nhưng phải giải quyết được bài toán bảo quản để khi cập bến ở châu Âu thì quả nhãn tươi không bị hỏng.
Điều này cũng nên tham khảo việc mới đây có 6 tấn quả vải thiều tươi của Việt Nam lần đầu tiên XK bằng đường biển đi châu Âu với quãng thời gian 5 tuần (xuất phát từ cuối tháng 6/2021 ở cảng Hải Phòng và đến Hà Lan hôm 2/8).
Điểm đáng chú ý là với quãng đường biển kéo dài đến 5 tuần lễ nhưng quả vải vẫn tươi ngon, có thể lên kệ siêu thị ở Hà Lan thêm 2 - 3 tuần nữa. Không những vậy, dù giá cước vận tải đang rất cao nhưng việc lựa chọn phương thức vận chuyển này vẫn rẻ hơn khá nhiều so với đường hàng không.
Thích ứng với đường biển
Nhờ đó mà DN nhập khẩu vải thiều theo đường biển như trên sẽ bán 1kg vải thiều trên thị trường Hà Lan với giá thấp hơn 1/3 so với mức giá nếu như vận chuyển theo đường hàng không. Và mức giá thấp hơn chính là cách để quả vải thiều nâng sức cạnh tranh hơn, được biết đến rộng rãi hơn ở thị trường châu Âu.
Hoặc như hồi tháng 7, vải thiều Việt Nam xuất bằng đường biển sang Nhật trong quãng thời gian 13 ngày vẫn giữ độ tươi ngon. Không những vậy, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường biển sang Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với vận chuyển bằng máy bay.
Vào thời điểm trên, theo các DN, chi phí vận chuyển vải thiều sang Nhật Bản bằng máy bay là 3 USD/kg, trong khi vận chuyển bằng đường biển giá thành chỉ 0,02 USD/kg. Như vậy chi phí vận chuyển vải thiều sang Nhật bằng đường biển chỉ bằng 1/150 đường hàng không.
Từ đây để thấy, nếu quả nhãn tươi của Đồng Tháp muốn thâm nhập sâu thị trường châu Âu hay Nhật Bản và một số thị trường khác thì các DN cũng có thể lựa chọn vận chuyển theo đường biển thay vì lấn cấn về mặt chi phí đắt đỏ như vận chuyển hàng không.
Điều quan trọng trong việc XK trái cây tươi bằng đường biển đến những thị trường xa, theo giới chuyên gia, đó là khâu đóng gói, bảo quản cần đáp ứng tốt các điều kiện để quá trình vận chuyển đạt kết quả tốt nhất, dù kéo dài thời gian nhưng vẫn đảm bảo trái cây tươi ngon, không bị dập nát trong quá trình vận chuyển.
Cần phải nhìn nhận là dù nhiều quốc gia đang mở cửa thị trường cho trái cây Việt, thế nhưng việc XK vẫn đầy thách thức khi cước vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tới 50% giá thành, khó cạnh tranh với trái cây của các nước khác.
Cho nên, con đường mà các DN XK trái cây đi thị trường xa có thể linh động hướng tới là vận chuyển bằng đường biển cho các loại trái cây có thời gian chờ lâu hoặc đảm bảo được ở khâu bảo quản cho quãng đường dài.
Trở lại vấn đề về chi phí vận tải biển, điều mà các DN XK trái cây còn băn khoăn đang nằm ở việc giá cước tăng phi mã và thiếu container rỗng trong nhiều tháng qua.
Nhất là các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tuỳ chặng, tuỳ hãng) trong khi DN vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container/chặng tàu cho nhiều chặng quan trọng, gây ra tình trạng chi phí đội lên rất cao.
Cho nên, nếu muốn DN đa dạng trong việc lựa chọn hình thức vận tải phù hợp, cũng như thích ứng tốt với đường biển cho việc XK trái cây thì đòi hỏi cần chiến lược kiềm chế được chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt.
Thế Vinh