Xuất khẩu (XK) hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị kể từ năm 2016 do áp lực giảm giá của thị trường toàn cầu, đang đẩy ngành này rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn.
Khó hưởng lợi ngay
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được xem là thời cơ để ngành hồ tiêu thay đổi cục diện, cạnh tranh cùng các đối thủ. Đánh giá về cơ hội của ngành hồ tiêu Việt Nam, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa XK sang cả thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên minh châu Âu (EU).
Hiện tại, XK của hồ tiêu Việt Nam sang thị trường EU và CPTPP lần lượt đạt 27% và 21%, tương ứng với vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng nhập khẩu (NK) hồ tiêu của 2 thị trường này. Cả hai thị trường này đều rất tiềm năng khi đang có mức tăng trưởng NK hồ tiêu cao trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn 2009-2017, tăng trưởng NK hồ tiêu của EU đạt 6,8%/năm và của CPTPP là 4,6%/năm.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và XK sản phẩm tiêu chế biến khi sản phẩm tiêu XK của Việt Nam hiện nay chủ yếu là tiêu nguyên liệu. Nhu cầu NK của thị trường EU và các nước CPTPP cho thấy xu hướng tăng trưởng tốt đối với sản phẩm tiêu xay, trong khi NK tiêu hạt nguyên liệu có chiều hướng giảm mạnh.
Hơn nữa, Việt Nam có thể gia tăng sức cạnh tranh tại các thị trường CPTPP và EU so với đối thủ nằm ngoài CPTPP và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Hiện nay, thị trường EU áp mức thuế 4% đối với NK tiêu cho các nước ngoài EVFTA. Một số thị trường thuộc khối CPTPP cũng đang áp thuế đối với tiêu NK từ các quốc gia không thuộc khối này như: Nhật Bản áp thuế từ 0 – 3%; Canada áp thuế 0% đối với tiêu nguyên liệu, 3% đối với tiêu xay; Mexico áp thuế 20%; Peru áp thuế 9% đối với tiêu nguyên liệu và 0% đối với tiêu xay.
Vì vậy, ông Trần Công Thắng nhấn mạnh việc Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) XK mở rộng thị trường và tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến hồ tiêu. Trước đây, XK tiêu sang thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước, nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực, các DN chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối là có thể XK sang các thị trường thành viên. Việt Nam cũng sẽ có thể tận dụng cơ hội khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành hàng hồ tiêu Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA. Ông Thắng phân tích XK hồ tiêu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước NK, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu.
Điển hình như vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu NK vào thị trường EU. Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu NK vào EU là 0,1 ppm nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh xuống còn 0,05 ppm. Đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn XK sang EU.
Các sản phẩm tiêu XK của Việt Nam cũng có nguy cơ bị trả lại, mất quyền XK hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT do việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quản lý chặt chẽ và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng. Trong năm 2018, EU phát đi 72 cảnh báo về an toàn thực phẩm NK vào khu vực này từ Việt Nam. Trong đó, có 5 cảnh báo về các lô hàng hồ tiêu: 3 lô hàng bị trả về tại biên giới, 4 trong 5 số cảnh báo bị gán mác là nghiêm trọng.
Cùng với đó, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rủi ro về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tiêu NK từ thị trường thứ ba. NK hạt tiêu từ các nước sản xuất khác chiếm khoảng 10% trong tổng XK tiêu của Việt Nam, chủ yếu để phục vụ chế biến.
Thậm chí, các chuyên gia lo ngại Việt Nam chưa thể tận dụng ngay các cơ hội, lợi ích từ thuế quan và tiềm năng thị trường mang lại từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Các thách thức này chủ yếu đến từ những tồn tại của ngành hàng hồ tiêu Việt Nam như: Chất lượng giống chưa được đảm bảo; khâu thu hoạch thủ công, bảo quản sau thu hoạch còn yếu; quy mô sản xuất hồ tiêu nhỏ lẻ…
Đặc biệt, tỷ lệ hồ tiêu chế biến sâu còn thấp do DN vẫn có nhiều hạn chế trong việc đầu tư và nâng cấp dây chuyền chế biến hồ tiêu, chưa tìm kiếm được các thị trường tiềm năng cho sản phẩm tiêu chế biến. Năm 2017, Việt Nam XK khoảng 190.000 tấn hạt tiêu nguyên liệu, chiếm 88% tổng lượng XK, lượng tiêu xay XK chỉ chiếm khoảng 12%.
Diễn biến NK hồ tiêu trên thị trường thế giới, EU và CPTPP |
Đa dạng sản phẩm
Tỉnh Đăk Nông là một trong những thủ phủ của ngành hồ tiêu nhưng cũng thể hiện rõ những bất cập của ngành này. Báo cáo của tỉnh Đăk Nông cho biết việc sơ chế, chế biến chủ yếu được thực hiện tại các nông hộ bằng phương pháp phơi nắng tự nhiên, việc sấy chủ yếu được thực hiện tại các đại lý thu mua bằng việc đốt truyền nhiệt trực tiếp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng (mùi, vị…) của sản phẩm.
Nhìn chung hệ thống tiêu thụ (kênh tiêu thụ) hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chưa thật sự phát triển, phần lớn người dân bán sản phẩm thông qua các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn, sự liên kết trực tiếp giữa các DN chế biến, XK với người nông dân sản xuất còn hạn chế đã làm giảm lợi nhuận cho người trực tiếp sản xuất (do phải qua các khâu trung gian).
Tình hình phát triển của ngành hồ tiêu tại tỉnh Đăk Lăk cũng tương tự. Sở NN&PTNT cho biết trên địa bàn tỉnh chưa có DN chế biến hồ tiêu với quy mô lớn, chỉ có một số cơ sở chế biến tiêu bột với quy mô nhỏ. Đa phần các DN thu mua từ các hộ dân để sơ chế và XK.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng ngành hồ tiêu cần tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh. Về chế biến, tiếp tục đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thanh trùng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA.
Đồng thời, tăng cường chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt 30- 40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, dầu hồ tiêu…
Đặc biệt, một trong những giải pháp cứu nguy cho ngành hồ tiêu là khuyến khích các DN đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, DN tiên tiến, hiện đại. Tập trung đầu tư các cơ sở chế biến tiêu trắng, tiêu bột và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao (hồ tiêu muối, tinh dầu tiêu…).
Lê Thúy
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Ngành hồ tiêu là ngành quan trọng của Việt Nam và có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, để không đánh mất đi lợi thế này, ngành hồ tiêu cần coi trọng chất lượng sản xuất, hướng đến mô hình hữu cơ. Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng đã khuyến nghị trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn. Bà Hoàng Thị Liên - Giám đốc điều hành Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế Ngành hồ tiêu Việt Nam từng phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, Brazil, Indonesia, Campuchia… đang dần chiếm tỷ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Trong đó, Brazil chiếm thị phần gần bằng Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với hồ tiêu Việt Nam, lại đang chiếm ưu thế ở thị trường EU. |