Cây hồ tiêu một thời được mệnh danh là "vàng đen", người người, nhà nhà đua nhau trồng tiêu. Tuy nhiên, từ năm 2017 tới nay, nhiều gia đình đã phải bán cả gia tài để trả nợ do thua lỗ, mất giá. Nhiều hộ đã và đang có sự chuyển đổi cây trồng hạt tiêu sang các loại cây khác.
Giá XK giảm theo từng tháng
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu. Tại tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 20.000 tấn hạt tiêu vừa thu hoạch trong niên vụ mới 2019 chưa có đầu ra. Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu chưa thể phục hồi trở lại, song tốc độ giảm sẽ chậm lại.
Ở thị trường trong nước, tháng 4/2019, giá hạt tiêu đen trong nước giữ ổn định hoặc giảm (tùy địa phương). Chốt phiên giao dịch ngày 27/4/2019, giá hạt tiêu đen tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai giảm 2,3% so với ngày 30/3/2019, xuống mức 43.000 đồng/ kg, trong khi tại các khu vực khảo sát khác giữ ở mức 45.000 – 46.000 đồng/kg. Đây vẫn là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nguyên nhân khiến giá tiêu trong nước lao dốc là do thị trường xuất khẩu (XK) ảm đạm. Theo ước tính, XK hạt tiêu tháng 4 của Việt Nam đạt 32.000 tấn, trị giá 80 triệu USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, XK hạt tiêu đạt 103.000 tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 18,6% về lượng nhưng giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tháng 4, giá XK bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 2.500 USD/ tấn, giảm 1,4% so với tháng 3 và giảm 21,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá XK bình quân đạt 2.619 USD/tấn, giảm 25,9%.
Tại hội nghị đánh giá, tổng kết tình hình ngành hàng hồ tiêu năm 2018 và định hướng năm 2019 của Hiệp hội Hồ tiêu mới đây, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng mức giá thấp đã khiến cả chuỗi cung ứng biến động.
Nhiều thương lái, nhà cung ứng, doanh nghiệp (DN) chế biến, XK không dám giao dịch mạnh. Nhiều thời điểm, nông dân thấy giá giảm thấp đã giảm giá bán, nhưng các DN vẫn phải nhập nhiều hơn từ Campuchia, Brazil, Indonesia khi các nước này có giá bán thấp mà chất lượng lại ổn định hơn hàng trong nước.
Đánh giá tình hình chung, ông Nam cho biết sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn tăng khoảng 8,27% nên giá vẫn trong xu hướng giảm, bởi mức tăng cầu thấp hơn cung. Dự báo giá sẽ không khởi sắc năm 2019; các nhà nhập khẩu cũng sẽ không mua trước số lượng lớn mà chỉ mua cầm chừng.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành hồ tiêu Việt Nam rơi vào bất ổn, trong đó có sự phát triển nóng của diện tích hồ tiêu. Năm 2013, cả nước mới có 52.000ha, đến năm 2019 đã nâng lên 152.000ha.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lớn nhất cần phải đề cập chính là ngành hồ tiêu chậm thay đổi, ít đầu tư công nghệ chế biến sâu, nói cách khác là chủ yếu XK nguyên liệu thô.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, XK hạt tiêu đạt 103.000 tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 18,6% về lượng nhưng giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018 |
Khuyến khích tham gia HTX
Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy, sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu chất lượng cao lên khoảng 90% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% vào năm 2030.
Quy hoạch này cũng đưa ra yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển các phương thức nông dân liên kết sản xuất hồ tiêu như tổ hợp tác, HTX, vườn tiêu mẫu lớn, phát triển mạng lưới đại lý thua mua nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tập trung phát triển các đầu mối XK lớn, hạn chế dần các đầu mối XK nhỏ lẻ, từng bước hình thành các DN mạnh trong chế biến, XK hồ tiêu.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện XK chủ yếu là tiêu hạt, chiếm 90% tổng lượng XK, trong đó tiêu đen chiếm 90%, tiêu trắng chỉ chiếm 10%. Một số DN lớn có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA… đã XK được các sản phẩm tiêu chế biến như tiêu bột, tiêu ngâm muối, tiêu khử nước/ đông khô, dầu nhựa tiêu (oleoresin), dầu thơm tiêu, trà tiêu…, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 10%.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sản xuất hồ tiêu hiện nay không ăn nhập với tiêu thụ. Các DN cần tập trung nhiều hơn nữa cho chế biến, nếu chế biến ra dầu tiêu, giá trị gấp 20 lần so với tiêu thô. "Hiện nay không đủ dầu tiêu để bán mà lại thừa tiêu thô. Có vàng mà vàng thừa thì cũng ế chứ đừng nói gì đến hồ tiêu", ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng của hạt tiêu cũng rất đáng quan ngại. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam chiếm đến 42% sản lượng hồ tiêu toàn cầu nhưng chất lượng thấp khiến XK gặp nhiều khó khăn, ít vào được các thị trường cao cấp, giá cao.
Báo cáo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019 của công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (thành viên Tập đoàn Eurofins Scientific) cho thấy có đến 20% mẫu sản phẩm qua kiểm định không đạt chuẩn EU, tồn dư các hóa chất vượt mức cho phép.
Để phát triển bền vững, Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng ngành hạt tiêu Việt Nam cần khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, HTX cũng như quá trình chế biến sản phẩm tiêu thành phẩm bán ra thị trường. Có như vậy, ngành hạt tiêu mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm, kiểm soát đầu vào và đầu ra.
Thy Lê