Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) cho biết, trong thời gian tới, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa trong ngành hàng thực phẩm vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Muốn tăng công suất nhưng kẹt vốn
Trong khi đó, thời điểm này, các DN thực phẩm buộc phải tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Các DN thực phẩm muốn tăng công suất để phục vụ mùa Tết nhưng lại thiếu vốn sản xuất. |
Theo bà Chi, hiện các DN trong ngành đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch với 80 - 100% công suất. Hầu hết các DN đều được tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm giãn cách khắt khe nhất. Vì vậy, khi tái sản xuất trở lại, tình trạng thiếu hụt lao động trong các DN lương thực, thực phẩm không nghiêm trọng như các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, như chia sẻ của Chủ tịch FFA tại sự kiện “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm” năm 2021 (diễn ra ở Tp.HCM từ ngày 13 - 19/12/2021), sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là DN ngành lương thực, thực phẩm.
Cụ thể, nguồn vốn dự trữ của các DN thực phẩm trước đó đã phải chi cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho Tp.HCM trong thời điểm giãn cách, nên đang rất cần vay ngân hàng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Thế nhưng, bà Chi cho biết, thực tế tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số DN trong ngành thực phẩm ở Tp.HCM cũng bày tỏ mối lo kẹt vốn như những gì Chủ tịch FFA đã nói, khiến họ rơi vào thế khó trong mùa Tết.
Các DN này mong phía ngân hàng cần tiếp tục cân nhắc về mặt lãi suất. Đương nhiên, ngân hàng cũng giống như DN, nhưng trong giai đoạn khó khăn như hiện tại, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi, lãi suất cần tiếp tục kéo giảm thêm nữa.
Theo các DN, ngân hàng phải hiểu rằng nếu các DN thực phẩm vượt qua được giai đoạn khó khăn này, họ sẽ tồn tại và quay lại sử dụng dòng vốn của ngân hàng nhiều hơn.
Băn khoăn về lãi suất
Cho nên, các ngân hàng cần đưa ra mức lãi suất phù hợp hơn dành cho các DN thực phẩm. Bởi có vốn thì các DN mới giữ được khách hàng, giữ được thị trường. Khi đó, DN mới có thể phục hồi tốt hơn.
Trên thực tế, như lưu ý của Chủ tịch FFA, rào cản lớn nhất để DN thực phẩm tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay. Hơn thế nữa, mức giảm lãi suất còn thấp cũng là rào cản cho DN.
Điều đáng nói, vào những tháng cao điểm dịch bệnh ở “tâm dịch” Tp.HCM hồi các tháng 5, 6, 7, 8, 9 của năm 2021, phần lớn DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm không được phép gián đoạn sản xuất.
Điều này cũng đồng nghĩa là DN đã phải tăng nguồn nguyên liệu dự trữ, tăng lượng hàng tồn kho. Và nhiều DN chấp nhận lợi nhuận bằng 0 hoặc âm để duy trì sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng những yếu tố trên đã “bào mòn” dòng vốn của các DN trong ngành thực phẩm. Và vấn đề mà DN đang gặp là thiếu vốn lưu động, dù hiện nay đã phục hồi sản xuất.
Dưới góc độ của một DN sản xuất nước mắm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên (Tp.HCM) mong muốn các nhà quản lý và phía ngân hàng cần thấu hiểu những khó khăn mà các DN ngành thực phẩm nếm trải trong quá trình đi vay vốn hỗ trợ như thời điểm này, từ khâu thủ tục cho đến các yêu cầu về tài sản đảm bảo.
Còn với quan điểm của một người làm ngân hàng, ông Nguyễn Thành Nhân, giám đốc khối khách hàng DN của một ngân hàng TMCP ở Tp.HCM cho biết, một số lĩnh vực trực tiếp sản xuất kinh doanh phục vụ tiêu dùng thiết yếu sẽ được phía ngân hàng ưu tiên về mặt lãi suất tuỳ theo thời hạn vay, tuỳ vào vòng vay vốn của DN.
Theo ông Nhân, tiêu chí của phía ngân hàng là hỗ trợ sâu cho các DN nhỏ và vừa, cho nên làm sao phải hiểu được bản chất của nhu cầu và của vòng vay vốn, để từ đó mới có thể đáp ứng tuỳ theo mức nhu cầu về vốn cho DN.
Lẽ đương nhiên, như lưu ý của ông Nhân, đó là các DN cần tái cấu trúc về mặt tiền vốn từ đầu vào cho đến đầu ra. Chẳng hạn, với đầu vào, đó là nguồn nguyên liệu cần so sánh giá rẻ - giá đắt, hoặc là về địa điểm kinh doanh, cấu trúc lại năng lực sản xuất, về nguồn nhân lực, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong vận hành…
“Các DN cần nhìn nhận lại là họ nên thay đổi những gì trong vận hành để đơn giản hoá, áp dụng những công nghệ tốt hơn, và cả việc cắt giảm nhân công để giảm chi phí sản xuất”, ông Nhân nói.
Thế Vinh