Ông Tuấn, giám đốc một công ty du lịch ở Tp.HCM, nói rằng khi xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 từ hồi tháng 5/2021 thì các doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch động viên với nhau là… ráng chờ đến Tết Tây để “sống lại”. Vậy mà giờ Tết Tây sắp đến nơi rồi vẫn “khó sống lại” khi thiếu đi các giải pháp đồng bộ.
“Những chiếc lò xo đang bị liệt”
Ông Tuấn lo lắng, càng kéo dài thời gian chờ đợi nữa thì liệu còn bao nhiêu DN trong ngành có thể trụ được? Sắp tới, nếu chỉ trông vào du lịch nội địa thì không ăn thua vì sau đợt dịch này, nhiều người dân mất thu nhập. Trong khi đó, nếu đón khách quốc tế lại lo tiếp nhận biến chủng Omicron dù mức độ nguy hiểm thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Các DN du lịch trông chờ những giải pháp đồng bộ, nhất là việc mở đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin. |
Vị giám đốc này lưu ý càng chậm mở cửa đồng bộ, quá thận trọng sẽ giết chết ngành du lịch - một ngành công nghiệp “không khói” hái ra tiền.
“Đã gần 2 năm trôi qua rồi, các DN du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu du lịch đang trong tình trạng…“đắp chăn ngủ kỹ”. Vì vậy, tôi mong các bộ, ngành, địa phương nên mạnh dạn có cơ chế mở lại toàn bộ các hoạt động và dịch vụ du lịch để cứu nguy khẩn cấp cho ngành này thoát cảnh phá sản hàng loạt”, ông Tuấn khẩn thiết nói.
Riêng về khách du lịch quốc tế, số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy vào tháng 11/2021 tăng 42,4% so với tháng trước do bắt đầu thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Mặc dù vậy, tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 140,1 nghìn lượt người, giảm đến 96,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ts. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, kể lại cách đây 2 tuần có đi ra các tỉnh miền Trung nhằm tìm hiểu về tình hình hoạt động du lịch, có thể nói ngắn gọn là “tiêu điều”, không có một sức sống nào.
Ngay cả việc ngành du lịch có khả năng tự phục hồi trong thời gian tới hay không cũng là cả vấn đề khó. Có không ít quan điểm cho rằng kinh tế thị trường giống như chiếc lò xo, khi mở cửa trở lại thì ngành này sẽ tự phục hồi.
Vậy nhưng, như nhận định của ông Lịch, cơ bản ngành du lịch phần đông là “những chiếc lò xo đang bị liệt”, không thể tự phục hồi. Và càng để liệt, dù có buông không đè thì “chiếc lò xo du lịch” cũng không lên nổi.
Vị chuyên gia này cho biết trong 3 lĩnh vực có liên quan đến ngành du lịch là lưu trú, lữ hành và vận tải thì lưu trú trước đây phát triển rất mạnh, có mức đầu tư rất lớn và đang đứng trước một nguy cơ không phải tự thân nó gây ra.
“Tôi cứ nghĩ về những công trình khách sạn từ 1 - 5 sao nằm yên cho tới hết năm nay. Và không ít những nhà đầu tư các công trình đó là vay tín dụng ngân hàng. Liệu họ "chết" thì ngân hàng có yên không ?”, ông Lịch đặt vấn đề.
Chờ mở cửa đồng bộ
Cần thấy rằng ngành công nghiệp du lịch liên quan đến rất nhiều ngành khác. Cho nên nếu không tính toán vấn đề mở cửa du lịch một cách đồng bộ sẽ là khó khăn cho nhiều ngành.
“Chúng ta cần xem lại thực chất trong cả nước là các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ Zero Covid sang thích ứng an toàn linh hoạt và chấp nhận sự sống chung với dịch Covid-19 hay không, có làm một cách nhất quán không. Hay nói là vậy nhưng làm thì vẫn theo kiểu Zero Covid?”, ông Lịch lưu ý thêm.
Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và các DN trong ngành du lịch bày tỏ nếu đã mở đường để hồi sinh ngành du lịch thì cần tránh sợ hãi vấn đề mở lại đường bay quốc tế. Nhất là phải mở đón khách bình thường như trước kia đối với khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin.
Cho nên, các DN đang hy vọng những quyết định có tính kịp thời sau khi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 7/12 về kế hoạch mở đường bay quốc tế tới Việt Nam.
Dẫu biết dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp khó lường, vẫn luôn trong tâm thế phòng chống dịch bệnh và thích nghi với giai đoạn “bình thường mới”, nhưng các DN đều mong mỏi các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rằng thời gian khó có thể chậm hơn được nữa với ngành du lịch.
Do đó, rất cần sớm có giải pháp mạnh, phải đồng bộ 3 mảng: lưu trú, lữ hành và đặc biệt là vận tải hàng không quốc tế. Qua đó có thể giúp ngành này phục hồi ngay trong mùa Tết sắp tới.
Như khuyến cáo của Ts. Trần Du Lịch: “Còn nếu kéo dài nữa thì xin nói lại là như cái lò xo đã liệt rồi có kéo cũng không lên nổi”.
Có thể nói, các cuộc đối thoại và hợp tác cởi mở cũng như trung thực giữa tất cả các bên liên quan nhằm hồi sinh ngành du lịch Việt trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.
Các bên liên quan phải kể đến gồm cơ quan quản lý nhà nước, các hãng hàng không, chủ sở hữu và người điều hành các khách sạn, các đại lý du lịch và công ty lữ hành, các ban cố vấn, và các đơn vị quảng bá du lịch.
Để thoát khỏi tình trạng “đắp chăn ngủ kỹ” dẫn đến viễn cảnh “giết chết” ngành du lịch đòi hỏi toàn bộ những bên liên quan như trên đều phải nhanh chóng tham gia vào quá trình mở cửa đồng bộ lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Thế Vinh