Nói về thời gian gần đây Trung Quốc thay đổi nhiều tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nhấn mạnh điều này đòi hỏi ngành hàng nông sản phải “tỉnh thức” và thay đổi.
Có những địa phương còn thờ ơ
Theo bà Thu, đó chính là bước đệm không chỉ cho doanh nghiệp (DN) mà còn cho lãnh đạo các địa phương về mặt tư duy. Đặc biệt, từ những tư duy đó, cần đặt vấn đề địa phương sẽ định hướng cho nông dân như thế nào?
Liên kết đầu ra cho ngành hàng nông sản dưới thời Covid-19 đang đòi hỏi sự đồng điệu ở các địa phương. |
Vị phó giám đốc này kể lại trong một tháng trở lại đây có làm việc ở nhiều tỉnh, thành để xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường Trung Quốc đối với quả sầu riêng. Nhưng, bên cạnh một số tỉnh phản hồi khá tốt, thể hiện rõ sự quan tâm, thì một số tỉnh khác lại rất thờ ơ.
“Họ rất thờ ơ vì cho rằng đây là câu chuyện của DN, DN muốn làm những việc đó hãy tự đi đàm phán với nông dân, mua như thế nào, mua với mức giá ra làm sao thì nông dân mới làm đúng theo tiêu chuẩn như vậy. Tôi nghĩ chúng ta hãy quên đi và gạt bỏ suy nghĩ này ngay lập tức”, bà Thu nói.
Bởi lẽ, người nông dân xây dựng một tiêu chuẩn chất lượng là để đáp ứng một thị trường, đáp ứng cho phía tiêu thụ như DN. Tuy nhiên, ngoài vai trò, trách nhiệm của nông dân thì căn bản nhất là định hướng của địa phương.
“Tôi mong muốn các địa phương cần nhìn nhận vấn đề này một cách rõ ràng. Chuyện của chúng tôi là đi liên kết tiêu thụ sản phẩm chứ không phải chỉ đi xây dựng chất lượng nữa. Bây giờ chúng ta phải chia việc ra để có thể bắt kịp ngay lập tức về câu chuyện định hướng tiêu dùng của thế giới là gì”, phó giám đốc của Công ty Chánh Thu lưu ý thêm.
Đây cũng chính là trăn trở chung của những DN trong ngành hàng nông sản và họ mong muốn lãnh đạo các địa phương cùng với người nông dân cần thay đổi tư duy về liên kết để không bị động trong thời gian tới.
Điều này cũng có thể nhìn thấy rõ từ việc xuất khẩu nông sản trong năm 2021 này gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc cước vận chuyển hàng không có tới vận tải biển tăng mạnh, kể cả việc không đặt được tàu, mà phía DN mỗi ngày phải đối phó với rất nhiều việc để bán được hàng cho bà con nông dân.
Vấn đề về tư duy liên kết ở các địa phương trong ngành hàng nông sản (nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4) cũng được nêu ra trong buổi họp báo mới đây về sự kiện Diễn đàn Mekong Connect 2021 (sẽ diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 17/12/2021).
Cần sự đồng điệu
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, chủ đề trọng tâm của diễn đàn lần này chính là phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, liên kết đòi hỏi cần có sự chia sẻ thông tin và tầm nhìn. Nếu lãnh đạo các địa phương không chia sẻ cùng nhau thì sẽ tạo được sự đồng điệu và nhịp nhàng trong quá trình phát triển.
Chẳng hạn thời gian trước, ông Vũ nêu lại tình trạng do việc ứng xử khác nhau về phòng chống dịch Covid-19 giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng vùng sản xuất ở ĐBSCL ùn ứ rau củ quả và các sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Tp.HCM lại phải mua nông sản với giá cao.
“Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do ứng xử phòng chống dịch khác nhau, thậm chí là người ta không cho người nông dân đi ra đồng”, vị giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM nhắc lại vấn đề bất cập trong quãng thời gian cao điểm của dịch Covid-19 trong các tháng trước đây.
Ông Vũ nhấn mạnh thêm, Tp.HCM là nơi tiếp cận các sản phẩm nguyên liệu từ ĐBSCL, nhưng ngược lại các nhà máy chế biến nông sản lớn ở các tỉnh vùng này có sự điều hành của những DN lớn ở Tp.HCM. Với tính thương mại hai chiều như vậy, cho nên việc liên kết giữa Tp.HCM và các tỉnh ĐBSCL là cực kỳ quan trọng.
Có thể nói, trong thế trận mới “sống chung” với dịch Covid-19 như hiện tại, việc định hình lại việc liên kết giữa các địa phương có liên quan đến ngành hàng nông sản được xem như yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Điều này đòi hỏi cần vai trò nhiều hơn nữa của chính quyền các địa phương trong liên kết vùng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Những bất cập về liên kết trong câu chuyện xây dựng mã vùng trồng mà bà Ngô Tường Vy đứng ở góc độ DN đã nêu ra chính là dẫn chứng điển hình để các địa phương cần lưu tâm và thay đổi tích cực, đồng điệu hơn.
Các địa phương cũng nên làm tốt khâu truyền thông về xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Nhất là định hướng tổ chức sản xuất tại địa phương, hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất, cũng như nâng cao nhận thức người nông dân khi tham gia vào các chuỗi liên kết.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động thể hiện được vai trò trung gian điều phối tổ chức sản xuất, là cầu nối cho nông dân, hợp tác xã liên kết chặt chẽ với phía DN.
Thế Vinh