Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Các thị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong ngành.
Đơn hàng giảm, doanh thu bị tác động mạnh
Ông Lập dẫn chứng một vài con số từ cuộc khảo sát nhanh đối với 52 DN mà các Hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua. Trong 45 DN hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 DN cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).
Dự kiến đơn hàng tới cuối năm 2022 của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. (Nguồn: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) |
Xu thế tương tự đối với thị trường EU, trong số 38 DN tham gia thị trường này có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 DN cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh Quốc, trong 25 DN tham gia thị trường này thì 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.
Đáng lo ngại khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các DN, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Ông Lập đánh giá: Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các DN ngành gỗ hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.
Với ngành da giày – túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, 6 tháng cuối năm nay các DN da giày sẽ gặp khó khăn về thị trường do lượng hàng tồn kho với hàng thời trang và giày dép lớn. Khảo sát của DN và các nhãn hàng từ nay tới quý I/2023 đơn hàng sẽ chững lại. Ngành da giày cố gắng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 23-25 tỷ USD.
“Mặt hàng da giày - túi xách bán được ở mức giá trung bình 16 USD/sản phẩm, tương đương thế giới nhưng để cạnh tranh cần sản xuất ra các mặt hàng có giá trị cao hơn, cần nguồn nguyên liệu nhập khẩu tốt từ các thị trường khác”, bà Xuân cho hay.
Các doanh nghiệp mong muốn nhận được thêm các thông tin về thị trường xuất khẩu. |
Thêm vào đó, Phó Chủ tịch Lefaso nhấn mạnh điều cần nhất lúc này với các DN là thông tin về thị trường. Gần đây, Đức ra đạo luật mới về nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung ứng áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đạo luật này được nhận định sẽ ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất da giày, tuy nhiên DN mới nhận thông tin áp dụng thời gian gần đây, còn việc triển khai, DN phải đáp ứng nghĩa vụ gì thì đang thiếu thông tin. Thương vụ Việt Nam tại Đức cần giúp cho DN.
Nỗ lực nối lại đơn hàng
"Hay thông tin thị trường EU áp dụng thuế carbon với các mặt hàng XK vào EU, DN cần chuẩn bị những kế hoạch thay đổi ra sao để đáp ứng yêu cầu. Việc kết nối thông tin về thị trường là rất quan trọng để tránh thất bại khi xuất khẩu”, bà Xuân chia sẻ.
Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh đơn hàng ngày một gay gắt, Lefeso cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giới thiệu lợi thế cạnh tranh. Nếu tổng cầu suy giảm nhưng Việt Nam tận dụng tốt lợi thế từ các FTA thì chắc chắn vẫn giành được các đơn hàng.
Với các DN nhỏ và vừa, việc tìm đơn hàng lại càng trở nên khó khăn hơn. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, cho hay nhiều DN chưa nối được các đơn hàng với đối tác cũ như với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, áo dài, nông sản sấy khô… Nguyên nhân là do hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường quen thuộc như EU, Mỹ, Nhật, ASEAN bị đứt gãy bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Hiện tại, các DN đang nỗ lực nối lại mối quan hệ làm ăn giao thương với các đối tác cũ nên rất cần sự hỗ trợ của phía cơ quan thương vụ Việt nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Hội nữ DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội bày tỏ mong muốn nhận được các thông tin về thị trường các nước như chỉ số lạm phát, yêu cầu của nhiều ngành hàng, quy định nhập khẩu của các hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, đồ lưu niệm...
Chưa kể, một trong những trăn trở nhất với DN lúc này là sản phẩm xuất khẩu chưa có thương hiệu, chủ yếu gắn thương hiệu của nhà phân phối. Vì vậy, Bộ Công Thương cần giúp DN khi xuất khẩu sang các nước có thể xây dựng thương hiệu, gắn tên của Việt Nam.
Trước những khó khăn, trăn trở của cộng đồng DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần hỗ trợ DN trong việc tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA để đa dạng thị trường xuất khẩu. Điều này sẽ là lợi thế cạnh tranh về đơn hàng cho chính các DN.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại thông qua việc chủ động phân tích đánh giá chính sách của nước sở tại, đề xuất phản ứng chính sách từ phía Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho DN. Bên cạnh đó, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đi sâu vào phân tích nhu cầu thị hiếu, thị trường, đưa ra khuyến cáo giúp hiệp hội ngành hàng trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng phát triển.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ mong muốn các Hiệp hội, DN chủ động xây dựng điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Ông Vũ Bá Phú Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Để hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm đơn hàng, giao thương, Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên thực tế như các hội nghị B2B trực tuyến, triển khai các nền tảng số về hội chợ triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các gian hàng quốc gia trên những nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới. Ngoài ra, hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng hóa ở thị trường nước ngoài đã và đang được triển khai tích cực với sự tham gia của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Ông Nguyễn Phú Hoà Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Năm nay, nếu không có thay đổi lớn, thương mại song phương giữa Việt Nam – Australia sẽ vượt 15 tỷ USD, đây là mục tiêu mà Thủ tướng hai nước kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng Đô la Úc mất giá, lạm phát của nước này đã tăng cao nhất 20 năm gần đây. Thương vụ sẽ nghiên cứu vấn đề vĩ mô của Úc để đánh giá tác động của giá cả thị trường Úc ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, một trong những yêu cầu là hàng hóa Việt Nam cần phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng đồng đều. Ông Võ Hoàng An Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Sang năm 2022, đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát nhưng thách thức lớn từ bất ổn chính trị, lạm phát gia tăng. Giá cả hàng hoá ở mức cao ảnh hưởng tới XK cao su. Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị được trao đổi thông tin thường xuyên với tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài về chiến lược kinh tế của nước sở tại, cũng như các rào cản thương mại góp phần xây dựng chính sách thị trường, báo cáo về diễn biến ảnh hưởng tới khả năng thâm nhập thị trường, cảnh báo về gian lận thương mại... DN mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ thẩm định các đối tác nước ngoài giúp chúng tôi an tâm trong tìm kiếm khách hàng mới. |
Nhật Linh