Dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm điện tử... đang là những ngành gặp phải nhiều khó khăn trước cơn bão lạm phát toàn cầu. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ với tình hình đơn hàng như hiện nay khả năng trong tháng tới, công ty phải nghỉ sản xuất từ ngày thứ 6 trong tuần, tức là trong một tuần thì nghỉ 3 ngày là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật.
Đơn hàng èo uột từ tháng 8
Chia sẻ với VnBusiness, ông Việt cho hay hiện nay do tình hình kẹt cảng, đặt container chậm... khiến hàng dệt may bị ùn ứ ở cảng, đối tác báo về lượng hàng tồn kho lên tới 2-3 tháng, tương ứng 600 - 1 triệu sản phẩm may mặc của Việt Thắng Jean đang tồn kho ở thị trường EU và Mỹ. Trong khi đó, do đồng Euro mất giá nên lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người tiêu dùng thế giới đang phải cắt giảm chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có sản phẩm dệt may. |
"Trước đây khi xuất khẩu, chúng tôi bán đồng Euro được giá, nay đồng tiền lao dốc, nguồn tiền thu về của DN bị giảm, trong khi DN vẫn phải thanh toán bằng đồng USD cho nhà bán hàng Trung Quốc để nhập nguyên liệu đầu vào", ông Việt chia sẻ.
Do vậy, Việt Thắng Jean dự báo tăng trưởng của DN trong quý III sẽ suy giảm do "đói" đơn hàng bởi thị trường Mỹ, EU đang chiếm tới 60% thị phần xuất khẩu.
Ông Việt chia sẻ thêm: "Chúng tôi xác định 2022 vẫn là năm rất khó khăn đối với ngành dệt may khi lạm phát tăng cao trên toàn cầu, kinh tế suy thoái khiến người tiêu dùng thế giới phải cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, để phát triển thêm thị trường mới, DN phải mất từ 2-3 năm. Vì vậy, giải pháp duy nhất của DN lúc này là đẩy mạnh XK sang các thị trường còn tiềm năng như Nhật Bản, Đông Nam Á... và củng cố thêm thị trường nội địa".
Tương tự với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho hay qua khảo sát sơ bộ về khách hàng và DN, do tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, tổng tồn kho với sản phẩm da giày rất lớn lên tới hơn 40%. Hiện tại, ngành da giày khó khăn tìm kiếm đơn hàng trong quãng thời gian từ tháng 8 tới hết quý I/2023.
Bà Xuân giải thích thêm: "Tồn kho lớn thì khách hàng sẽ giảm đơn hàng. Điều này đang là mối lo lớn với các DN da giày trong nước. Ngay trong thời điểm khó khăn vì dịch COVID-19 bùng phát, ngành da giày đã cố gắng thu hút các đơn hàng trên thế giới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì lợi thế này nhưng cần có sự hỗ trợ về phía cơ quan chức năng trong việc đảm bảo cạnh tranh về giá thành sản xuất".
Tìm thêm lợi thế cạnh tranh
Trong khi đó, ngành gỗ cũng đang đứng trước thách thức lớn trên, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), nhận định, hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc. Đặc biệt là tại Mỹ - một thị trường lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam - sự biến động của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành.
“Xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm nay tăng 3%, trong đó, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10% nhưng tại trường Mỹ lại giảm. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,1 tỷ USD, nếu nhân đôi lên thì dự kiến năm nay chúng ta có thể đạt chỉ tiêu cho ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, hiện các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm, thậm chí có những DN đã ngừng sản xuất”, ông Diện chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “Zero COVID” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Do đó, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày hay điện tử.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, chia sẻ nhu cầu tiêu dùng giảm sút do ảnh hưởng tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraine, dẫn tới sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử bị tồn kho khá lớn trên toàn cầu. Samsung chiếm 60% điện thoại sản xuất ở Việt Nam, tháng 5 vừa qua giảm sản lượng 20%. Lượng điện thoại tồn kho của Samsung trên toàn cầu được cho là gần 50 triệu máy.
Theo bà Hương, việc các DN điện tử đầu chuỗi như Samsung hay Apple bị tác động về thị trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các DN CNHT Việt Nam khi tham gia chuỗi. Đơn hàng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại.
Trước tình hình đồng Euro mất giá, sức mua yếu do người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết các DN cần tận dụng hơn nữa các Hiệp định thương mại tự do để giành lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đơn hàng. Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh thực hiện kết nối cung cầu giữa các DN sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay đang rất quan tâm tới vấn đề lạm phát hay tỷ giá hối đoái. Nguyên nhân là do DN đang gặp khó khăn khi đồng Euro mất giá. "Các doanh nghiệp ký hợp đồng với thị trường EU thì sẽ chịu tác động như thế nào, cần ứng phó ra sao là vấn đề cần bàn", ông Bình lưu ý điều này để xây dựng kịch bản phù hợp cho sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương Dự báo năm nay xuất khẩu cố gắng đạt mục tiêu khoảng 400 tỷ USD và Việt Nam sẽ tiếp tục ở top 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên những khó khăn, thách thức đang hiện hữu như vấn đề đứt gãy nguồn cung trên phạm vi toàn cầu hay tình trạng lạm phát tăng cao. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Các Vụ thị trường nước ngoài cần kết hợp với các thương vụ ở nước ngoài để làm thật tốt công tác thông tin thị trường. TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lạm phát không phải là câu chuyện ngắn hạn của năm nay mà đây còn là nguy cơ lớn thứ hai của kinh tế thế giới sau xung đột Nga - Ukraine. Do vậy, câu chuyện tỷ giá gây khó khăn cho DN xuất khẩu khi đồng Euro suy giảm, làm giảm sức cạnh tranh của họ cần phải có các giải pháp để ứng phó. Trong đó, giải pháp mang tính dài hạn, căn cơ lúc này chính là cải thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN nhiều hơn. Ông Nguyễn Quốc Trị Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động, đặc biệt là thị trường. Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng khuyến nghị các DN bên cạnh các thị trường truyền thống thì cần linh hoạt đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Đồng thời liên kết với nhau để sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho chế biến để giảm được giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trong việc giành đơn hàng. |
Nhật Linh