Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2018 của Bộ Công Thương đã chỉ ra lo ngại này.
Ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam (Ảnh: Internet) |
Theo Bộ Công Thương, thị trường thép xây dựng nội địa tháng 10 trầm lắng, tình hình thời tiết không thuận lợi như triều cường, mưa nhiều tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thép tại thị trường xây dựng dân dụng; tiêu thụ thép tại khu vực công trình cũng chậm do phần lớn các công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện, ít dự án mới khởi công.
Sức tiêu thụ chậm nên phần lớn nhà sản xuất phía Bắc áp dụng các các chương trình chiết khấu sản lượng để khuyến khích tiêu thụ. Do vậy, giá trên thị trường phía Bắc giảm phổ biến khoảng 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với tháng trước tùy theo chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, giá tại thị trường phía Nam tương đối ổn định, nguồn cung đảm bảo.
Tháng 10/2018, sản lượng thép thô ước đạt 1.844 nghìn tấn, tăng 63,6% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 525,6 nghìn tấn, tăng 10,5%; thép thanh, thép góc ước đạt 494,1 nghìn tấn, tăng 7,9%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 40,5%, 6,6% và 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như: Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.
Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Lê Thúy