Tính từ phiên giao dịch đầu tuần trước (8/10) đến nay, cổ phiếu NKG đã lao dốc từ mức 15.000 đồng/ cp xuống 13.300 đồng/cp, tương đương giảm 11,3%. Thanh khoản cũng tăng đột biến, trung bình đạt 2-3 triệu đơn vị, trong khi trước đó chỉ đạt vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.
Cổ phiếu phá đáy
Thực tế, dấu hiệu giảm của NKG đã bắt đầu từ cuối năm 2017 trước áp lực cạnh tranh gia tăng, cùng biến động thị trường thép thế giới đã tác động lên tình hình kinh doanh.
Tuy nhiên, đà giảm của NKG mạnh mẽ hơn khi bước vào những tháng đầu năm 2018, bất chấp thời điểm đó, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “hưng phấn”, liên tiếp chinh phục những mốc lịch sử.
Cụ thể, tính đến giữa tháng 4/2018, cổ phiếu NKG đã giảm 44% từ mức đỉnh gần 45.000 đồng/cp xuống còn 25.200 đồng/ cp, vốn hoá của Nam Kim đã “bốc hơi” khoảng 2.250 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, những tháng sau đó, NKG giảm sâu về mức giá dưới 20.000 đồng/cp, rồi về quanh mốc 13.000 đồng/ cp như hiện tại. Nếu tính tại mức 13.300 đồng/cp (phiên 15/10), NKG đã giảm 70% từ đầu năm.
Đà giảm này của NKG cũng chính thức cuốn trôi mọi thành quả tăng giá đã đạt được trong suốt nhiều năm. Đây không còn là điều chỉnh kỹ thuật thông thường nữa mà có thể nói NKG đã và đang bước vào xu hướng giảm điểm.
Trong quá khứ, NKG đã từng “vượt khó” một cách ngoạn mục, từ một cổ phiếu chào sàn với mức giá gần 3.400 đồng/ cp, thậm chí niêm yết tận 3 năm sau đó cổ phiếu vẫn chưa một lần giao dịch trên mốc 10.000 đồng/cp.
Không những thế, nhà đầu tư cũng tỏ ra ít quan tâm đến NKG khi khối lượng giao dịch bình quân giai đoạn này chỉ hơn 80.000 đơn vị/ phiên, bất chấp kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng đều.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, NKG đã có bước nhảy vọt sau những tháng ngày “cùng cực”, số phiên giao dịch đạt 1 triệu đơn vị xuất hiện nhiều hơn, giá cổ phiếu bật lên mốc 30.000 đồng/ cp, gấp gần 10 lần so với giá chào sàn.
Tiếp nối đà tăng, NKG miệt mài đi lên cho đến khi chạm mức cao nhất trong lịch sử tại 45.200 đồng/cp ngày 10/01/2018.
Việc cổ phiếu NKG liên tiếp giảm trong thời gian qua được giới phân tích lý giải do tính cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến động của thị trường thép đã tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường chứng khoán cũng là một trong những nguyên nhân khiến NKG chịu sự tác động kép lên thị giá cổ phiếu. Đồng thời, việc tăng cường mở rộng đầu tư nhà máy nhằm khép kín chuỗi giá trị đã ảnh hưởng đến biên lãi của Nam Kim, áp lực chi phí đè nặng.
Cổ phiếu NKG đã lao dốc từ mức 15.000 đồng/ cp xuống 13.300 đồng/cp |
Vấn nạn hàng tồn kho
Theo giới phân tích, những khó khăn của ngành tôn mạ năm 2018 phần nào đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Nam Kim khi giá nguyên vật liệu là HRC liên tiếp leo thang, chính sách hàng tồn kho phản ứng ngược.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Nam Kim ghi nhận 7.877 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 44% so với cùng kỳ; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 230 tỷ đồng, giảm 34% so với nửa đầu năm 2017.
Giá bán trung bình tăng 16-19% nhưng chưa thể bù đắp cho mức tăng 32% của nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng HRC) kéo theo tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 3,7% xuống 7,2% trong kỳ.
Đáng chú ý, hiệu ứng ngược từ chính sách hàng tồn kho cũng khiến lợi nhuận của Nam Kim bị “ăn mòn” với hàng tồn chiếm 70% tài sản ngắn hạn. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp thép nội địa khi giá thép thị trường đang có xu hướng đi xuống.
Do đó, dù là đơn vị có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng suốt nhiều năm qua nhưng việc hàng tồn kho tăng mạnh cũng là một điểm trừ.
Tuy nhiên, đó là những yếu tố ngoại cảnh tác động lên chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, điều mà cổ đông quan ngại nhất khiến cổ phiếu NKG kém “hấp dẫn” là bức tranh tài chính ảm đạm do áp dụng chính sách trả chậm khiến nợ vay tăng cao.
Tính tới ngày 30/6/2018, nợ phải trả của Nam Kim đạt 6.512 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu kỳ nhưng vẫn chiếm 67,4% tổng tài sản; trong đó, nợ ngắn hạn đạt 5.189 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ, chiếm 94% tài sản ngắn hạn. Chi phí lãi vay ghi nhận 162,7 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nợ vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp và tài trợ vốn lưu động, trong một báo cáo mới đây, CTCK Rồng Việt (VCSC) cho rằng Nam Kim sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong tương lai để thanh toán.
Cũng theo VCSC dự báo, doanh thu thuần cả năm 2018 của Nam Kim ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 25% song biên lợi nhuận gộp dự giảm từ 8,6% xuống còn 7,8%, lợi nhuận sau thuế theo đó giảm mạnh 39% về 434 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất của Nam Kim so với các doanh nghiệp ngành thép khác có lẽ là đến từ chu kỳ chuyển đổi tiền mặt luôn ổn định. Các CTCK cũng đưa ra khuyến nghị mua đối với NKG tại vùng giá hơn 17.000 đồng/cp.
Cũng cần phải nhắc lại, trong quá khứ, Nam Kim đã từng có giai đoạn “cá chép hóa rồng” thành công, do đó, có thể NKG vẫn có cơ hội chuyển mình trong tương lai xa.
Linh Đan