Đã từng có thời điểm cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đạt mức đỉnh 48.000 đồng/ cp. Sau 6 tháng biến động không ngừng của thị trường, HPG hiện đang giao dịch tại mức giá 39.600 đồng/cp, giảm 17,5% so với đỉnh.
Tại mức giá hiện tại, cổ phiếu HPG đang được định giá khoảng 85.487 tỷ đồng, đắt gấp hơn 2,2 lần vốn chủ sở hữu 39.033 tỷ đồng.
Rủi ro từ đòn bẩy
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2018 với con số tiếp tục tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung ngành thép.
Trong quý III, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ.
Với kết quả đạt được, Hoà Phát có lẽ sẽ cán đích lợi nhuận năm 2018 mà cổ đông đã giao phó khi mới 9 tháng đã hoàn thành đến 85% kế hoạch năm.
Tính tới ngày 30/9/2018, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 70.102 tỷ đồng, tăng 32,2% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn đạt 23.240 tỷ đồng, tăng 326,8% so với đầu kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tươi sáng của kết quả kinh doanh với những con số đáng mơ ước thì con số nợ vay của Hòa Phát cũng khiến giới đầu tư lưu tâm.
Quyết định xây dựng thêm các nhà máy tầm cỡ bậc nhất như Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, Nhà máy tôn mạ màu… đã khiến tổng nợ phải trả của Hòa Phát lên tới 31.069 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và chiếm đến 44% tổng tài sản.
Trên thực tế, với những doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng lớn thì việc nợ tăng cao là bình thường, tuy nhiên con số nợ của Hòa Phát đã vượt qua nhiều báo cáo phân tích.
Khi Hòa Phát công bố các thông tin về dự án Dung Quất, các công ty chứng khoán tên tuổi như MBS, VCSC… cũng đã dự báo nợ/tổng tài sản của Hòa Phát sẽ khoảng 33% so với con số khoảng 27% trước khi xây dựng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, dư nợ ngắn hạn của Hòa Phát là 21.460 tỷ đồng. Tạm bỏ qua những khoản tín dụng từ người bán hay người mua…, con số 13.023 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cuối quý III tăng gần 1.700 tỷ đồng so với đầu năm.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hòa Phát cho biết, lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động kinh doanh 9 tháng năm 2018 là 5.872 tỷ đồng, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động đầu tư lại âm 15.039 tỷ đồng vì chi quá nhiều cho hoạt động sản xuất, mua sắm trang thiết bị.
Dòng tiền đầu tư âm buộc Hòa Phát phải vay 37.676 tỷ đồng để cân đối ngân sách, trong đó trả nợ gốc 28.800 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ Tập đoàn ghi âm 289,1 tỷ đồng.
Sử dụng đòn bẩy tài chính là nợ vay quá lớn khiến nhà đầu tư lo ngại với Hòa Phát |
Trông chờ các dự án mới
Nợ lớn, nhưng nếu nguồn thu từ hoạt động kinh doanh đều đặn lên đến gần 3 tỷ USD mỗi năm thì dòng tiền của Hòa Phát vẫn ổn định, kiểm soát tốt được nợ vay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, ngành thép đang đối mặt với dư cung dài hạn thì nợ vay của Hòa Phát lại khiến giới đầu tư nghi ngại về độ an toàn.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn ghi nhận những con số tăng trưởng, nhưng nếu “soi” kỹ hơn vào Báo cáo tài chính cho thấy tỷ suất lợi nhuận ròng sau thuế thu nhập doanh nghiệp so với doanh thu của Tập đoàn trong 9 tháng đang ở mức thấp 16,4%, do giá vốn hàng bán chiếm 78% doanh thu.
Theo định hướng của doanh nghiệp, tổ hợp Dung Quất đi vào hoạt động có thể cải thiện được biên lợi nhuận trong dài hạn nhờ việc khép kín chuỗi sản xuất thép.
Thế nhưng, tại bản báo cáo nhận định của công ty Chứng khoán Phú Hưng về Hòa Phát cho biết, tổ hợp này đi vào hoạt động có thể đem theo những rủi ro khó lường, bởi sẽ chịu các chi phí khấu hao, lãi vay, quản lý nhân công… nên sẽ phải mất 1-2 năm mới đến điểm hòa vốn.
Mới đây, công ty Chứng khoán BVSC cũng đã hạ dự báo lợi nhuận năm 2018 của Hòa Phát xuống 9.113 tỷ đồng, giảm 4% so với dự báo trước do tiến độ bán hàng của Mandarin Garden 2 chậm hơn dự kiến và việc lùi hoạt động dây chuyền tôn mạ so với kế hoạch ban đầu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG liên tiếp đi xuống kể từ khi thiết lập mức đỉnh 48.000 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ đông ngoại cũng như các cổ đông nội bộ tích cực bán ra HPG đã khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu này.
Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, HPG đã rơi thẳng đứng 8 phiên giao dịch liên tiếp từ mức 41.000 đồng xuống 38.700 đồng/cp. Sau khi hồi phục lên 40.250 đồng/cp trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 thì “mở màn” tháng 11, HPG lại tiếp tục giảm sâu về vùng 39.000 đồng/cp.
Gần đây, PENM III Germany GmbH & Co. KG đã đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HPG nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 60 triệu cổ phiếu (2,82%) xuống còn gần 40 triệu (1,88%). Giao dịch thực hiện bằng phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ 5/10 đến 2/11/2018.
Trước đó, ông Nguyễn Việt Thắng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, cũng đăng ký bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HPG nhằm giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,31%.
Cùng thời điểm, bà Trần Thị Tình – mẹ của Tổng Giám đốc Trần Tuấn Dương, cũng thông báo về việc đăng ký bán ra toàn bộ 277.141 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,01% nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Dù vậy, với vị thế là “ông lớn” hàng đầu trong ngành thép, Hòa Phát vẫn có những “điểm sáng” để nhà đầu tư có thể kỳ vọng như: là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam biến chất thải rắn thành sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; tổ hợp Dung Quất hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2020 có thể đưa Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đáp ứng được đáng kể nhu cầu phụ liệu xi măng cao cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Linh Đan