Để tìm kiếm cơ hội thâm nhập sâu thị trường thực phẩm Việt Nam, vào ngày 13/2, phái đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn của tỉnh bang Ontario (Canada) bao gồm 10 doanh nghiệp (DN) và hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp thực phẩm của tỉnh bang Ontario (bao gồm ngành thịt heo, thịt bò, nhân sâm, đậu nành và hạt ngũ cốc) đã đến thăm và làm việc tại Tp.HCM.
“Mỏ vàng” cho doanh nghiệp Canada
Tháp tùng vị bộ trưởng là đại diện của các DN đang nuôi trồng và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp từ Ontario nhằm tìm kiếm các đối tác, kết nối với DN, nhà bán lẻ và các nhà nhập khẩu tại thị trường Việt Nam.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn thực phẩm nhập khẩu, là thách thức lớn cho ngành hàng nông sản thực phẩm Việt trên “sân nhà”. |
Nhân dịp này, Hiệp hội Thịt bò Ontario đã ký kết hợp tác với Hiệp hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn. Bên cạnh đó, Canadian Vita (nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm nhân sâm chế biến của Canada) đã ký kết với các đối tác tại Việt Nam như Droppii Vietnam, Hội Nam Y Việt Nam và OPC International.
Theo Lãnh sự quán Canada tại Tp.HCM, thương mại hai chiều của Việt Nam và Việt Nam đã đạt kỷ lục mới (12,9 tỷ đô la Canada, theo số liệu đến cuối tháng 11/2022), tăng trưởng hơn 35% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp thực phẩm là ngành sản xuất lớn thứ 2 tại Canada và là ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất ở hầu hết các tỉnh. Trong đó, Ontario và Quebec chiếm phần lớn sản lượng với khoảng 62% doanh thu.
Các DN trong ngành công nghiệp thực phẩm Canada coi thị trường thực phẩm Việt Nam như “mỏ vàng”, và là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu của Canada với nông sản, thủy sản là một thành phần quan trọng trong thương mại song phương. Từ cách đây 2 năm, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Canada sang Việt Nam đã đạt hơn 370 triệu đô la Canada.
Cả hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với ưu đãi về thuế quan đã giúp cho nông sản thực phẩm chất lượng cao của Canada với mức giá phù hợp hơn có cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Như chia sẻ của ông Behzad Babakhani, Tổng lãnh sự Canada tại Tp.HCM, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam lựa chọn sản phẩm Canada vì các loại nông sản thực phẩm bền vững, chất lượng cao và có mức giá phù hợp hơn. Các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Việt Nam bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, cá và động vật giáp xác, trái cây, thịt bò và thịt lợn cũng như các sản phẩm từ sữa.
Đơn cử với mảng thịt bò. Trong 2 năm trở lại đây, từ khi thực thi CPTPP, có những thời điểm thịt bò Canada được ghi nhận đã nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá trị tăng đến 400% khi nhiều DN chủ động nhập về hơn so với trước đây. Các sản phẩm thịt bò ngoại nhập này được bày bán khắp các kệ hàng siêu thị với giá ngang hàng thịt bò nội địa.
Theo ông Michael Young, Chủ tịch Hiệp hội Thịt bò Canada, trong năm 2022, xuất khẩu sản phẩm thịt bò của Canada vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số, 24% về khối lượng và 15% về giá trị. Việt Nam cũng là một trong hai thị trường nhập khẩu thịt bò Canada lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tăng áp lực trên “sân nhà”
Không chỉ với nguồn thịt từ Canada, về vấn đề nhập khẩu thịt, số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2022 vừa rồi, Việt Nam đã nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, tuy giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021.
Từ số liệu nhập khẩu cũng cần thấy mức độ tương phản với số liệu xuất khẩu sản phẩm thịt của Việt Nam. Như trong năm vừa qua, dù nguồn cung trong nước dồi dào nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được sản phẩm thịt với kim ngạch khoảng 84,6 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu ngành thịt trên 1,35 tỷ USD.
Ngoài ngành thịt, Việt Nam vẫn đang nhập số lượng lớn nguyên liệu nông sản để phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, thực phẩm. Điển hình như nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu nông sản để chế biến thức ăn chăn nuôi trong năm vừa rồi đã đạt đến gần 10 triệu tấn với trị giá 5,4 tỷ USD (tăng 8% so với năm 2021).
Theo giới chuyên gia, chi phí vận chuyển logistics đang giảm sâu như hiện tại sẽ là cơ hội để nông sản thực phẩm nhập khẩu thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam trong năm nay. Và điều đó càng là thách thức lớn cho ngành hàng nông sản thực phẩm Việt ngay trên thị trường “sân nhà”.
Như với ngành thịt. Theo dự báo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý I/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá heo dự báo vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, trước bối cảnh sản phẩm thịt ngoại không ngừng thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam thì ngành thịt trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm.
Xét về điều kiện thuận lợi trên thị trường “sân nhà” cho việc ngành thịt nội địa nói riêng và nông sản thực phẩm nói chung, đó là cả nước hiện có 9.000 chợ dân sinh, hơn 1.200 siêu thị, 250 trung tâm thương mại, hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 1.668 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Với quy mô phân phối nêu trên, điều quan trọng, để ngăn đà “khoét sâu” của khối ngoại trên thị trường nội địa, đòi hỏi ngành hàng nông sản thực phẩm Việt cần tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi liên kết hoặc có hình thức hợp nhất.
Đặc biệt, để sản xuất theo chuỗi có liên kết thì phải phát triển các hình thức liên kết. Tức là thúc đẩy hình thành các hợp tác xã nhằm hình thành cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Hoặc là các hợp đồng thúc đẩy cung cấp nguồn lực, hợp đồng tiêu thụ…, tức là tổ chức kết nối các cá nhân trong chuỗi với nhau.
Ngoài ra, trong cuộc “so găng” với khối ngoại cũng cần ngành hàng này tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất, tổ chức sản xuất dựa theo nhu cầu của thị trường và theo hợp đồng liên kết. Bên cạnh đó, nên liên kết theo chuỗi và đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến để vừa cạnh tranh trên “sân nhà” và vừa hướng đến thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự cải thiện nhiều hơn nữa ở ngành thịt nội địa.
Thế Vinh