Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh: Đưa câu chuyện phát triển bền vững vào sản xuất
Năm 2022, công ty của chúng tôi đã trở lại vị thế, cải cách rất lớn và doanh số cũng tăng 30%, lợi nhuận cũng rất tốt. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng để tăng khối lượng sản xuất lên 60%. Hiện chúng tôi đang xây dựng 2 nhà máy chế biến nông sản và hy vọng Quý 3/2023 sẽ đưa vào sản xuất. Hy vọng, năm tới tăng trưởng của công ty sẽ tăng 40 - 60% về doanh thu và chế biến so với năm 2022.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh |
Song song đó, để ngành nông sản thực phẩm phát triển bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tôi cho rằng cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thẳng là không thể kinh doanh theo kiểu thương mại thuần tuý mà phải xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải quan tâm đến công nghệ, đến khả năng chế biến càng sâu hơn nữa. Bởi vì đó là điểm mấu chốt, lợi thế và chúng ta có thể xuất khẩu nông sản với giá trị cao.
Hơn nữa, việc phát triển bền vững luôn là vấn đề quan trọng trong ngành nông sản thực phẩm. Như công ty của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Châu Âu nên luôn quan tâm đến phát triển bền vững trong nhiều năm nay. Riêng 5 năm trở lại đây, nếu không có chứng nhận hay tư duy về sản xuất kinh doanh thì người tiêu dùng Châu Âu sẽ không mua hàng của mình. Ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng làm như vậy. Cho nên, các doanh nghiệp trong ngành phải đầu tư nhiều cho phát triển bền vững và phát triển chiều sâu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Cơ hội lớn cho ngành gạo trong năm 2023
Hiện nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn, tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang làm đứt gãy rất nhiều chuỗi cung ứng về lương thực thực phẩm. Điều quan trọng nhất làm cho lúa gạo Việt Nam có cơ hội là tình hình biến đổi khí hậu một cách cực đoan đã lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, dẫn đến diện tích trồng cây lương thực (trong đó có lúa gạo) giảm đi rất nhiều. Đây là mới là yếu tố mấu chốt đối với an ninh lương thực trên toàn thế giới trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An |
Chính vì thế, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, nhưng diện tích trồng lúa và những mất mát nhanh thì Việt Nam chưa đến nỗi nào, vẫn còn có cơ hội, đặc biệt là ngành lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, đứng hàng đầu về cung cấp gạo cho thế giới. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chưa nhiều, cho nên sẽ có cơ hội cho thời gian sắp tới, không chỉ cho riêng năm 2023 mà còn kéo dài đến năm 2025 hay 2026.
Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội như thế nào? điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần quan tâm hơn.
Riêng với doanh nghiệp của chúng tôi trong năm 2023 sẽ luôn tập trung đi đầu ở ngành hàng lúa gạo để nâng cao chất lượng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay chúng tôi đang mở rộng ra tất cả vùng nguyên liệu trồng lúa và liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng nhằm tăng tốc xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Mỹ…
Ông Vũ Hải Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn: Tiết giảm chi phí sản xuất và tận dụng các FTA
Nhìn về triển vọng cho ngành điều, do đặc thù của sản phẩm hạt điều là món ăn chơi cao cấp, cho nên nếu tình hình cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, người tiêu dùng Châu Âu và Châu Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi lạm phát, giá cả tiêu dùng còn ở mức cao thì tình hình của ngành điều năm 2023 chưa có gì sáng sủa. Trừ khi cuộc chiến chấm dứt, kinh tế trở lại ổn định, giá cả hàng hoá thiết yếu giảm đi, lúc bấy giờ cơ hội cho ngành điều sẽ tốt hơn.
Ông Vũ Hải Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn |
Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi trong năm 2023 sẽ tập trung nhiều vào tiết giảm chi phí sản xuất và tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, bán hàng chế biến chuyên sâu từ thế mạnh của mình. Trên cơ sở kinh nghiệm xuất khẩu cho nhà bán lẻ toàn cầu là Walmart tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... chúng tôi đang tiếp tục phát triển các khách hàng mới trong thời gian tới thông qua việc tận dụng các FTA.
Để góp phần cho ngành hàng nông sản thực phẩm (trong đó có ngành điều) phát triển bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo, chúng tôi cho rằng với vai trò dẫn dắt đòi hỏi các hiệp hội doanh nghiệp ở ngành hàng này cần đẩy mạnh đào tạo cho doanh nghiệp để tận dụng tốt các FTA và đào tạo về định hướng cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có nhiều thông tin về thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group: Xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng 20 - 30%
Tôi cho rằng tiềm năng xuất khẩu đang rất lớn cho ngành rau quả trong năm 2023, nhất là khi trong năm vừa qua chúng ta đã mở rất nhiều thị trường. Chẳng hạn như sầu riêng, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (mỗi năm nước này nhập sản lượng lớn sầu riêng từ các nước với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD). Chúng ta có lợi thế nhất định với loại trái cây này về vận chuyển sang Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh là Thái Lan nên hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận và doanh số lớn cho ngành nông sản.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group |
Ngoài ra, không thể không kể đến trái bưởi đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ và New Zealand. Với trái bưởi da xanh hiện nay, đã bảo quản đến 90 ngày, công nghệ bảo quản đã rất cao, cộng với vùng nguyên liệu cho trái quanh năm nên kỳ vọng sẽ xuất khẩu mạnh vào Mỹ trong năm 2023.
Cho nên có thể năm 2023 được kỳ vọng sẽ là năm “bùng nổ” của xuất khẩu rau quả. Chúng tôi dự đoán mức độ tăng trưởng đối với xuất khẩu trái cây trong năm 2023 sẽ vào khoảng 20 - 30%. Với thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc hy vọng rằng chính sách “Zero Covid” sẽ được gỡ bỏ. Ngoài ra, thị trường các nước cũng đang chú trọng sử dụng những sản phẩm tươi, bổ sung vitamin, phù hợp cho sức khoẻ, mà điều này lại có rất nhiều ở trái cây Việt Nam vốn được trồng quanh năm, nên lợi thế rất lớn.
Tuy nhiên, điều làm chúng ta vẫn còn băn khoăn ở ngành hàng này là vệ sinh an toàn thực phẩm, các hoạt chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu cần có sự am hiểu rõ ràng về luật chơi của từng thị trường.
Về phát triển bền vững đối với ngành hàng rau quả, cần có tiêu chí chung để ổn định đầu ra cho nông dân. Điều này bắt buộc nông dân cần trồng những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, như vậy sẽ bán tốt ở thị trường nội địa với gần 100 triệu dân khi mà niềm tin của người tiêu dùng trở lại, nhu cầu sử dụng sẽ rất cao.
Còn với xuất khẩu, đã đi được vào những thị trường cao cấp, khó tính. Cho nên bắt buộc nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm sao tạo ra những sản phẩm rau quả chất lượng có thể bán đi khắp nơi mà không phân biệt thị trường dễ tính hay khó tính, hoặc trong nước hay xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep): Bốn định hướng cho ngành thủy sản Việt
Trong năm 2023 ngành thuỷ sản dự kiến sẽ mang về 10 tỷ USD nếu kịch bản khó khăn chỉ kéo dài đến hết Quý 1/2023. Các doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng những khó khăn của ngành hàng này sẽ kết thúc trong Quý 1/2023 bởi thị trường không thể khủng hoảng mãi.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) |
Trên cơ sở định hướng cho ngành thuỷ sản trong năm 2023, chúng ta cũng cần rút ra những bài học cho xuất khẩu thuỷ sản sau đại dịch Covid-19.
Thứ nhất, đó là cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu, sản xuất và đánh giá tình hình. Bởi vì mặt hàng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nếu không chủ động sẽ lỗi nhịp về cơ hội khi thị trường phục hồi.
Thứ hai là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, với xu hướng tiêu dùng. Sự thay đổi của người tiêu dùng đòi hỏi chúng ta phải chuyển dịch kịp thời, không quá bị động trong chuyển đổi quy trình, hoặc một số vấn đề về mặt hàng, cơ cấu sản phẩm. Từ đó sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu.
Thứ ba là cần hiện đại trong trang thiết bị và chuyển đổi số. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp thuỷ sản đang đeo đuổi trong nhiều năm và có trình độ chế biến cao trong ngành thuỷ sản thế giới.
Thứ tư là phải phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cho sản xuất xanh, cũng như trách nhiệm xã hội để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong vấn đề tiêu dùng và nhập khẩu của các quốc gia phát triển. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ có được thị phần tương đối.
Tôi cho rằng, đối với cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, việc chuyển dịch chiến lược theo hướng xanh là xu thế của nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn…về môi trường. Việc theo đuổi chiến lược này tác động mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh đạt được và hiệu suất tài chính của các doanh nghiệp.
Thế Vinh (thực hiện)