Thị trường trong tuần đầu tháng 2/2023 cho thấy, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Tín hiệu tích cực từ giá gạo
Trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết chắc chắn giá gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với mức giá hồi tháng 11/2022. Bởi vì cơ hội, lợi thế cho gạo Việt Nam đang rất lớn khi mà tình hình thiếu lương thực trên thế giới xảy ra trong năm nay và các năm sau là rất nhiều.
Giá gạo đang tăng cao thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất và XK gạo chất lượng cao. |
Giá tăng cao cũng thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất và XK gạo chất lượng cao, dù cho trong tháng 1/2023 số liệu về XK gạo của Việt Nam không mấy khả quan khi giảm lần lượt 20,9% về sản lượng và 17,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy hoạt động XK của nhiều mặt hàng vẫn đang gặp khó tại thị trường EU, nhưng với mặt hàng gạo và các sản phẩm sau gạo của Việt Nam, theo ông Bình, vẫn đang được thị trường này ưa chuộng. Đây là một lợi thế, quan trọng là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có tận dụng được lợi thế này hay không.
Riêng CTCP Trung An, không chỉ thị trường EU, công ty này hiện đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia với tổng số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.
Chính vì vậy, thay vì băn khoăn vào con số XK gạo không mấy khả quan trong tháng 1/2023, điều quan trọng là các DN XK gạo cần nghĩ đến tín hiệu tích cực từ giá gạo để nâng vị thế, chất lượng và cách tiếp cận thị trường của mình tốt lên trong thời gian tới nhằm giúp XK gạo bứt tốc.
Bởi lẽ, ở góc nhìn của một DN hàng đầu về XK gạo chất lượng cao, như nhận định của ông Phạm Thái Bình, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn, biến đổi khí hậu một cách cực đoan đã lan rộng… Vì vậy, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn.
Điều quan trọng, trong khi trên thế giới diện tích trồng cây lương thực (trong đó có lúa gạo) giảm đi rất nhiều vì biến đổi khí hậu, dù Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, nhưng diện tích trồng lúa và những mất mát nhanh thì chưa đến nỗi nào.
Không bỏ lỡ từng cơ hội nhỏ nhất
Vì thế đây chính là lợi thế, đặc biệt là ngành lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, đứng hàng đầu về cung cấp gạo cho thế giới. Riêng đối với các loại gạo thơm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đang tăng, trong khi đó, chỉ Việt Nam có loại gạo này đã đẩy giá gạo này tăng cao.
Ngoài lúa gạo nói riêng, cũng nên nhận thấy những lợi thế nhất định để ngành nông lâm thủy sản nói chung cần chắt chiu nhằm có thể bứt tốc, vượt qua những khó khăn về mặt thị trường trong giai đoạn đầu của năm 2023.
Chẳng hạn với XK đồ gỗ, theo ghi nhận nhanh mới đây của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đơn hàng XK đã bắt đầu trở lại dù vẫn còn giới hạn. Đây được cho là tín hiệu tích cực cho ngành gỗ sau nhiều tháng chật vật thiếu hụt đơn hàng.
Xét về lợi thế, giới phân tích cho rằng động lực để thúc đẩy XK đồ gỗ tốt hơn trong thời gian tới đến từ việc phí vận tải biển trên thế giới hiện đang giảm rất mạnh. Như hiện tại, giá cước từ Việt Nam đi Mỹ hiện giảm sâu, chỉ còn 1.600-1.700 USD/container gỗ loại 40 feet, trong khi giai đoạn đạt đỉnh có giá đến 20.000-22.000 USD/container.
Ngoài ra, tuy đầu ra của đồ gỗ gặp khó khi nhiều thị trường chủ lực chịu ảnh hưởng bởi lạm phát thì ngành gỗ vẫn có thể tận dụng lợi thế ở vào một số mặt hàng mới như: viên nén gỗ, dăm gỗ... Bởi vì hiện tại trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với dăm gỗ và viên nén gỗ ngày càng gia tăng, do cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hồi năm ngoái, dăm gỗ và viên nén gỗ có tỷ trọng XK tăng mạnh, đã đạt gần 3,5 tỷ USD, và năm nay được kỳ vọng kim ngạch thu về sẽ còn tăng cao.
Nhắc thêm về việc giảm sâu giá cước vận tải biển không chỉ mang lợi thế cho XK gỗ, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đây còn là lợi thế chung cho XK nông sản của Việt Nam. Bởi vì việc này giúp giảm chi phí hoạt động của DN, giúp giảm giá thành nông sản, qua đó sẽ giúp tiếp cận với người tiêu dùng quốc tế dễ dàng hơn và làm tăng tính cạnh tranh khi XK.
Ngoài những lợi thế như trên, giới chuyên gia cho rằng hoạt động XK nông lâm thủy sản không quên tận dụng lợi thế lớn từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết với nước ngoài, có thể giúp XK bứt tốc tốt hơn.
Liên hệ thực tế như ở mảng XK điều, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, cho biết ở một số thị trường có FTA với quy định khá thoáng, cho phép các DN Việt nhập khẩu điều nguyên liệu để chế biến, nếu có chứng nhận xuất xứ sẽ được miễn thuế xuất khẩu. Đây là lợi thế mà các DN XK điều cần nắm rõ.
Khi mà hoạt động XK nói chung được dự báo có nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay, thì điều quan trọng với các DN XK nông lâm thủy sản nói riêng là cần chắt chiu những lợi thế đang có. Đặc biệt là không bỏ lỡ từng cơ hội nhỏ nhất, để vừa không phải rơi vào cảnh bĩ cực, vừa giúp cho XK có thể bứt tốc giữa nhiều thách thức phía trước.
Thế Vinh