Dự đoán về tình hình kinh doanh của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) trong báo cáo mới nhất vào cuối tháng 7/2023, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng công ty này có “triển vọng ngọt ngào”.
Từ cơn tăng sốc của giá đường…
Theo đó, Bộ phận phân tích đã điều chỉnh dự phóng doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 của QNS tăng 9,2% lên 10.086 tỷ đồng (tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước) và dự phóng lợi nhuận sau thuế tăng 30,1% lên 1.748 tỷ đồng (tăng 35,9%) sau khi điều chỉnh tăng giá bán và sản lượng đường thương mại.
Để giữ đà tăng trưởng vững chắc đang đòi hỏi các DN mía đường cần phải mở rộng được vùng nguyên liệu vốn đã sụt giảm nhiều trong những năm qua. |
QNS được đánh giá là một trong những doanh nghiệp (DN) thuộc ngành mía đường nội địa có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất về doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.
Đối với doanh thu thuần, trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty này đã có mức tăng trưởng đáng kể với 31,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.282 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu do doanh thu thuần mảng đường tăng trưởng ấn tượng 163,6% so với cùng kỳ (sản lượng thương mại tăng 126%) nhờ tác động tích cực của Quyết định 1514/QĐ-BCT năm 2022 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía và diện tích mía mở rộng (tăng 18,1%).
Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp chung của QNS cũng được cải thiện, đạt mức 30,2% trong nửa năm qua, nhờ sự tăng trưởng đáng kể về quy mô bán hàng của mảng đường. Theo đó, biên lợi nhuận gộp mảng đường nới rộng lên mức 24,8%.
Từ kết quả sáng lạn như vậy nên chuyên gia phân tích của Mirae Asset đã điều chỉnh dự phóng tăng trưởng doanh thu thuần mảng đường của QNS trong năm 2023 lên mức 85,3% so với cùng kỳ năm trước (dự phóng cũ là 38%).
Điều này nhờ vào việc điều chỉnh tăng diện tích mía thu hoạch lên 25.000ha và năng suất mía lên 67 tấn/ha do tình hình thời tiết thuận lợi hơn, giúp tổng sản lượng đường sản xuất tăng lên trên 196.000 tấn (dự phóng cũ là 175.000 tấn).
Không chỉ QNS, dù trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng một số công ty mía đường nội địa cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận tăng vọt trong niên vụ 2022 - 2023 so với niên vụ trước. Điển hình như CTCP Mía đường Sơn La, CTCP Đường Kon Tum. Điều này được cho là đến từ cơn tăng sốc của giá đường.
Tuy vậy, giới phân tích cũng lưu ý một số yếu tố có thể cản đường tăng trưởng mạnh của QNS nói riêng và các DN mía đường nói chung trong những tháng cuối năm nay.
Đó là giá bán đường nội địa có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023. Điều này được lý giải là do khả năng tăng nguồn cung mới vào thị trường do vụ ép mía nội địa 2022/23 đã hoàn thành trong tháng 6/2023.
Đáng chú ý, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự phóng cán cân đường trong nước vẫn ở mức thặng dư 290.000 tấn vào năm 2023. Bên cạnh đó, nạn buôn lậu đường hiện tại sẽ làm giảm tác động tích cực của thuế quan bảo hộ. Ngoài ra, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) dự phóng khối lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sẽ tăng đáng kể trong niên vụ 2022/23 (tăng 10% so với niên vụ trước) do sản lượng được phép xuất khẩu lớn hơn và số lượng container vận chuyển tăng lên.
…Đến mối lo tự chủ vùng nguyên liệu
Còn sang năm 2024, giới chuyên gia dự đoán giá bán đường nội địa sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình của giai đoạn 2022-2023. Điều này được giả định bởi tiêu thụ đường nội địa có thể giảm nếu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (ngoại trừ sữa và đồ uống dinh dưỡng) được áp dụng. Đề xuất của Bộ Tài chính có thể sẽ được thảo luận thêm tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV (trong tháng 5/2024).
Hơn thế nữa, sản lượng đường sản xuất và xuất khẩu của Brazil được dự đoán sẽ tăng đáng kể do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong giai đoạn El Nino (trong quá khứ, El Nino thường có lợi cho hoạt động nông nghiệp ở khu vực Nam Trung Bộ của Brazil). Qua đó có thể sẽ giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện tại.
Song song đó, một trong những thách thức lớn vào thời gian tới cho tăng trưởng của các DN nội địa trong ngành mía đường là việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
Chẳng hạn như CTCP Đường Kon Tum đang tích cực rà soát, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường với mục tiêu đạt 2.000 ha trở lên trong niên vụ 2023 - 2024.
Trên thực tế, như ở tỉnh Kon Tum, việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía còn nhiều hạn chế, việc mở rộng diện tích vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, diện tích mía đã sụt giảm khoảng 600ha. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học và công nghệ và cơ giới hóa sản xuất vẫn hạn chế, các mô hình HTX liên kết trồng và tiêu thụ mía chưa nhiều.
Nhất là một thời gian dài trước đây, giá mía nguyên liệu bấp bênh cùng với những bất cập trong quá trình thu mua, vận chuyển khiến nông dân ở Kon Tum không còn mặn mà với cây mía.
Cho đến nay, mỗi khi đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mía vào canh tác, nhiều nông dân tỉnh này vẫn ngần ngại. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác.
Như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay, diện tích trồng mía giảm mạnh do chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn (như cây sầu riêng). Điều đó dẫn đến hệ lụy là nhà máy lo thiếu nguyên liệu.
Điển hình như Hậu Giang - địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL, niên vụ 2022-2023, tổng diện tích mía đã xuống giống chỉ đạt 3.377 ha, giảm 7,54% so với cùng kỳ do người dân chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái. Đây là con số rất thấp từ trước đến nay. Thời hoàng kim, diện tích trồng mía ở tỉnh này mỗi năm lên đến 15.000 -16.000 ha với sản lượng lên đến hàng triệu tấn.
Hoặc như ở vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú (chiếm trên 80% diện tích trồng mía toàn tỉnh Trà Vinh), vốn từng có diện tích ổn định hơn 4.000ha. Tuy nhiên, nhiều vụ sản xuất bị thua lỗ nặng khiến vùng mía nguyên liệu này liên tục bị thu hẹp, hiện chỉ còn trên 1.121ha trồng mía và đã thu hoạch dứt điểm với tổng sản lượng mía nguyên liệu đạt gần 129.000 tấn
Trước tình hình sụt giảm diện tích mía ở ĐBSCL, trong niên vụ mía 2023 - 2024, CTCP Mía đường Trà Vinh đã khuyến khích, vận động nông dân địa phương mở rộng diện tích mía, với các chính sách ưu đãi, đầu tư, bao tiêu. Cụ thể, đầu tư 75 triệu đồng/ha (trồng mới), 46 triệu đồng/ha (trồng lại), 35 triệu đồng/ha (lưu gốc).
Nói chung, nhìn từ đà tăng trưởng “ngọt ngào” trong nửa năm qua của một số DN mía đường sẽ thấy để đà tăng trưởng này có tính chất bền vững thì điều cần làm là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát triển vùng nguyên liệu trồng mía vốn đã sụt giảm nhiều trong các năm qua. Có mở rộng vùng nguyên liệu thì doanh thu của các DN mới có thể tăng mạnh được.
Không những vậy, ngoài việc kỳ vọng giá đường neo giữ ở mức cao, cùng với việc duy trì biện pháp thuế đối với đường nhập khẩu, thì chỉ có tự chủ nguyên liệu và kéo giảm các chi phí sản xuất, chi phí tài chính mới giúp cho tăng trưởng lợi nhuận của các DN mía đường có thể bền lâu.
Thế Vinh