Số liệu mới cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, trong 18 ngày đầu tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) 11.305 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 41,1 triệu USD.
Vẫn lo biến động cung cầu
Từ số liệu nêu trên có thể thấy, XK hồ tiêu trong tháng cuối cùng của quý 2/2023 đã giảm tốc. Trong đó, thị trường XK lớn nhất là Trung Quốc cũng đã giảm mạnh vào nửa đầu tháng 6/2023, chỉ đạt 2.657 tấn.
Xuất khẩu sầu riêng của các hợp tác xã vẫn đang chủ yếu nhắm vào thị trường Trung Quốc. |
Giới phân tích cho biết, sản lượng hồ tiêu trên toàn cầu thời gian gần đây liên tục báo cáo xu hướng tăng đều, quy mô nghiêng hẳn về dư cung. Điều này có thể ảnh hưởng đến XK hồ tiêu của Việt trong nửa cuối năm 2023 nếu chưa giải được bài toán cân bằng cung - cầu hồ tiêu trên toàn cầu.
Còn về dự báo với ngành hàng cà phê trong giai đoạn cuối của năm 2023, phía iPos có dẫn dự báo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục diễn biến theo những thay đổi của cung - cầu. Tuy nhiên, về dài hạn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo tốc độ tăng giá cà phê có thể chậm lại do các yếu tố vĩ mô không thuận lợi vào cuối năm 2023.
Nhất là do các ngân hàng trung ương lớn vẫn quyết định theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu, bức tranh kinh tế thế giới sẽ tiếp tục nhuốm màu ảm đạm. Kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ đối với cà phê sẽ khó có thể hồi phục và thậm chí là sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Đối với ngành rau quả, điểm chú ý trong trung tuần tháng 6/2023 là việc tỉnh Đồng Nai công bố XK chuyến hàng sầu riêng đầu tiên (gồm 360 tấn) theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dự kiến trong năm nay, tỉnh này sẽ XK 20 nghìn tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng, với tổng diện tích 820 ha.
Trung Quốc hiện chiếm đến 95% sản lượng sầu riêng XK của Việt Nam. Hồi tháng 5/2023, XK sầu riêng của Việt Nam đã thu về 332 triệu USD, gấp 10 lần so với tháng 4 và gấp nhiều lần những tháng trước đó.
Ngoài sầu riêng, theo dự kiến của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong quý 3 và 4/2023 sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: Xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ…
Với nguồn cung lớn như vậy, ngành rau quả Việt vẫn kỳ vọng nhiều vào thị trường chính yếu là Trung Quốc trong nửa cuối năm. Giới phân tích cho rằng, diễn biến tiêu thụ rau quả ở thị trường này trong nửa cuối năm sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.
Chờ đột phá ở thị trường mới
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trong mục tiêu đạt 4 tỷ USD cho XK rau quả trong năm nay thì Trung Quốc ít nhất đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 62,5%; các thị trường khác đạt 1,5 tỷ USD.
Để tăng XK vào Trung Quốc, theo ông Nguyên, cần nỗ lực có thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nước này cấp phép. Còn các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do lạm phát dẫn đến sức mua yếu hơn.
Riêng với XK thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), cho biết theo nhận định của nhiều DN thủy sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.
Bà Hằng cũng lưu ý những biến động về cung – cầu xuất phát từ căn nguyên là chiến tranh và lạm phát, đến nay chưa có tín hiệu khả quan, nên việc dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn.
Với một số thị trường lớn như Mỹ, EU, theo chia sẻ từ chuyên gia phân tích của Vasep, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, thì vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho.
Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều DN thủy sản vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng lạc quan, đó là vị trí "quán quân" của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Vì thế, chỉ cần lạm phát dần ổn định, XK sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.
Thế nhưng, sau giai đoạn sụt giảm về kim ngạch của XK nông lâm thủy sản với ít nhất là trong 5 tháng đầu năm nay (đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022) và có thể kể cả tháng 6/2023, để “lội ngược dòng” trong nửa cuối năm 2023 sẽ là cả thử thách lớn. Nhất là các thị trường XK chính vẫn chưa phục hồi, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục giúp cho hàng hoá của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các DN sản xuất và XK.
Cho nên, để vượt qua những thách thức trong quá trình “lội ngược dòng” trong nửa cuối năm đòi hỏi các DN trong ngành hàng nông lâm thủy sản cần tận dụng tốt các FTA.
Song song đó, ngành hàng này cũng nên tiếp tục có các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (như ASEAN).
Đặc biệt là cần quyết liệt đột phá đưa nông sản Việt vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia); thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Thế Vinh