Rốt cuộc, sau khi trên mạng xã hội lan truyền văn bản của Chánh văn phòng HĐND-UBND Tp.Thuận An gửi cho doanh nghiệp (DN) để xin “tiền Tết” (trong đó có DN bị “xin” đến 500 triệu đồng), thì ngày 11/1 ông chủ tịch UBND Tp.Thuận An đã xác nhận công văn này là có thật và đang yêu cầu cấp dưới báo cáo làm rõ vụ việc.
Làm rạn nứt niềm tin
Trao đổi với VnBusiness , chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, đây là scandal (vụ bê bối) rất phản cảm trong tháng đầu tiên của năm 2022 khi cả nước đang tiến tới bình thường mới và trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cũng như ra sức hỗ trợ, vực dậy các DN gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Cần xử lý nghiêm những vụ "xin tiền Tết” của DN như xảy ra ở Tp.Thuận An (Bình Dương). |
Ngay cả chuyện lý giải có văn bản “xin” 500 triệu như trên là vì DN muốn hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, theo ông Dũng, việc này càng làm cho dư luận hiểu nhầm, đi ngược lại chủ trương của Nhà nước trong phòng chống dịch Covid-19.
Không những vậy, nó còn làm xấu đi hình ảnh của một số cán bộ công chức, lãnh đạo ở chính quyền địa phương khi lạm dụng quyền lực để xin xỏ tiền bạc của DN, cũng như không loại trừ có lợi ích nhóm, tình trạng nhũng nhiễu trong chuyện này.
Vị chuyên gia này lưu ý, những DN đang thật sự gặp khó khăn ở địa phương nêu trên sẽ cảm thấy bất công từ văn bản xin “tiền Tết” như thế. Bởi vì, khi văn bản xin “tiền Tết” gửi tới địa chỉ một số DN và được đáp ứng nhanh chóng thì không loại trừ những DN này về sau sẽ hưởng những ưu ái hơn so với các DN khác.
Như vậy, chẳng khác nào lợi thế nhân đôi trong quan hệ “cho qua cho lại” của nhà giàu so với nhà nghèo khi các DN làm ăn chân chính đang thực sự khó khăn giữa đại dịch không khác gì nhà nghèo. Đó sẽ là tiền lệ bất công nguy hiểm nếu không xử lý đến nơi đến chốn như trường hợp văn bản của ông chánh văn phòng ở Thuận An.
“Tôi mong vụ việc này cần xử lý triệt để trước Tết Nguyên đán 2022 để làm sạch môi trường kinh doanh. Nhất là cần sớm trả lại toàn bộ số tiền đã xin xỏ DN và mọi việc xử lý phải phải công khai nhằm tránh rạn nứt niềm tin của những DN làm ăn chân chính với cấp chính quyền địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, chính quyền các cấp ở địa phương không thể bao biện mà cần tiếp tục có những chỉ đạo nhằm xử lý nghiêm minh các cá nhân lãnh đạo, cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu để không tái diễn chuyện ra văn bản xin tiền DN.
Như trong vụ việc tại Tp.Thuận An, ngay cả lý giải của Chủ tịch thành phố này là ông Nguyễn Thanh Tâm cũng không thể thuyết phục được dư luận khi cho rằng, có văn bản xin tiền DN như trên là vì ông chánh văn phòng chuẩn bị chuyển công tác nên đã nóng vội, muốn xử lý những vấn đề khó khăn trước khi bàn giao công việc.
Cần kiểm soát rốt ráo “luật chơi”
Theo dõi vụ việc nêu trên, anh Lê Văn Lai, một chủ DN trong ngành cơ khí, cho biết tình trạng xin tiền DN thực ra ở một số phường, xã, huyện… vẫn còn tồn tại. Không chỉ là xin tiền Tết mà còn xin tiền nghỉ mát, nghỉ lễ... Nếu DN không biếu thì sẽ bị gây khó dễ không làm ăn gì được ngay tại địa phương đó. Nhưng chuyện xin tiền kiểu có văn bản như ông chánh văn phòng ở Thuận An thì rõ ràng là quá lộ liễu.
Cần nhắc lại, mới đây khi góp ý Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có nhấn mạnh việc giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là thực sự quan trọng.
Do vậy, VCCI có đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung này, theo đó đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Cũng từ chuyện này, theo giới chuyên gia, việc xây dựng hệ thống tiếp nhận, phản hồi và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các tình huống nhũng nhiễu DN, đặc biệt là từ chính các cán bộ công chức là một vấn đề cần được ưu tiên tiếp tục xem xét, thực hiện sớm trong thời gian tới.
Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định về quy chế tham gia các hoạt động ngoài công vụ đối với cán bộ công chứng nhằm kiểm soát công khai, minh bạch hơn về các hoạt động này. Các quy định này cũng giúp quản lý thu nhập phát sinh từ hoạt động ngoài công vụ, qua đó góp phần phòng ngừa, phát hiện có hiệu quả tham nhũng.
Bỡi lẽ, tình trạng đáng lo ngại, lại được coi là “luật chơi” khi tương tác với một số cán bộ công chức là việc DN tặng quà cho họ và cho tổ chức của họ. Và chuyện DN tặng quà, tặng tiền được xem như nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, để duy trì quan hệ, cũng như để khỏi lo ngại bị “phân biệt đối xử” khi thực hiện các thủ tục hành chính công.
Chuyện DN hỗ trợ tiền, quà tặng cũng chủ yếu là nhằm đạt mục đích cá nhân, đang trở thành “thông lệ” và là chuẩn mực đánh giá về “sự biết điều” trong quan hệ công vụ. Những “thông lệ” hay “luật chơi” này đang đi ngược với các quy định hiện hành và cần được kiểm soát rốt ráo, hiệu quả hơn nữa.
Thế Vinh