Mới đây, khi nói về việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới thông qua việc xây dựng Nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, điều này được kỳ vọng sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN).
Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng
Ông Thành dẫn lại kết quả đánh giá tác động độc lập của chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, đó là khi nghị định nêu trên được triển khai thi hành ước tính mỗi năm sẽ tiết kiệm trên 1.300 tỷ đồng cho DN và trên 9.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu có thể giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho DN và nền kinh tế. |
Rõ ràng, số tiền sẽ tiết kiệm như trên là rất lớn trong bối cảnh các DN và nền kinh tế còn chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Và qua đó càng cho thấy các DN đang phải gồng gánh chi phí lớn liên quan đến kiểm tra chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong cuộc làm việc cách đây vài ngày giữa Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) với một số cơ quan có liên quan của Bộ NN&PTNT về hoạt động kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm, phía Vasep cho biết: Theo quy định tại 3 thông tư của Bộ NN&PTNT (Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 11/2021), 100% số container nhập về đều phải thực hiện kiểm tra (hồ sơ và cảm quan), từng lô phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của cơ quan thú y cấp thì mới được Hải quan làm thủ tục thông quan.
Như vậy, mỗi container hàng sẽ phải chờ để làm thủ tục kiểm dịch ít nhất 2 ngày làm việc (đối với lô hàng chỉ phải kiểm hồ sơ và cảm quan), đến 5 ngày làm việc (đối với lô hàng phải lấy mẫu kiểm nghiệm), chưa tính đến thời gian chờ nếu bị vướng vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian chờ để được cán bộ thú y đến “kiểm dịch”.
Chỉ tính riêng số lô hàng thủy sản nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021 là 50.533 lô và thời gian tối thiểu cần có để làm thủ tục kiểm dịch là 2 ngày/lô thì mỗi năm DN phải tốn thời gian cho làm thủ tục kiểm dịch là gần 135 nghìn ngày, với chi phí tối thiểu cho việc lưu kho đã lên tới hơn 224 tỷ đồng.
Điều đáng nói, theo Vasep, việc quản lý theo nguyên tắc rủi ro đã không được áp dụng, khiến danh mục hàng hoá phải kiểm giảm đi rất ít và 100% container nhập khẩu đều phải kiểm tra. Lý do chính ở đây là các Thông tư đã đưa hầu hết hoạt động kiểm tra nhập khẩu đều là “kiểm dịch”.
Mạnh tay cải cách, đừng “cải lùi”
Và các chuyên gia đều cho rằng, việc này nhằm không phải thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm cũng như được nằm ngoài phạm vi cải cách trong nhiều trường hợp.
Thậm chí, trong 10 năm qua, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.
Nêu ra vấn đề trên để thấy, dù kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng một số bất cập thì vẫn còn đó, hoặc nói ví von thì có một số quy định còn…“cải lùi”. Cho nên chuyện lãng phí của các DN là khó tránh khỏi.
Với mong mỏi tiết giảm chi phí trong xuất nhập khẩu, hiện nay các DN đang quan tâm đến dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo, trong đó có đặt ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (điểm 5 Mục III).
Góp ý về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý đến chuyện kiểm soát việc thực hiện. Theo đó, dự thảo đề ra giải pháp, nhiệm vụ về thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng lại chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ, ngành nào phải thực hiện, thời gian thực hiện. Điều này sẽ khiến cho việc giám sát thực thi gặp khó khăn.
Về các nội dung cải cách kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn 1 (2022-2023) dự thảo có nêu “rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhất là danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng và hàng hóa phải kiểm dịch động vật trên cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành”.
Theo VCCI, cụm từ “trên cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành” khiến cho có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi hoạt động này là rà soát để sửa đổi danh mục, tức là phải sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành.
Về cải cách kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn 2023-2025, dự thảo đưa ra giải pháp “đối với các sản phẩm, hàng hóa được cắt giảm, nhà nước quản lý theo nguyên tắc nhà nước quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ”.
VCCI lưu ý: Nếu theo giải pháp này thì cần phải sửa đổi về cơ chế quản lý trong pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo có cơ sở pháp lý để thực hiện. Do đó, cần bổ sung lộ trình về việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đề xuất này.
Thế Vinh