Tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin Việt Nam 2019 với chủ đề: “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin (DN CNTT) Việt Nam trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số.
Doanh nghiệp là hạt nhân
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, đây không phải lần đầu tiên CNTT mang tới cơ hội cho Việt Nam. Từ những năm 1990, Việt Nam nói về kỷ nguyên thông tin, lúc đó đã đề cập tới chuyển đổi số, kinh tế tri thức, Chính phủ điện tử… Hiện nay, Việt Nam đang tận dụng phần nào một số cơ hội nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội bị bỏ qua, nhiều đề án, mục tiêu đưa ra chưa đạt hiệu quả.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, DN. Thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành.
Ông Bình ví dụ, Amazon – một tập đoàn bán lẻ toàn cầu chỉ có 6 kế toán, người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng vào cửa hàng, scan đồ và ra về, các thủ tục thanh toán được thực hiện hoàn toàn tự động.
Chuyển đổi số là một cơ hội phát triển chưa từng có trong lịch sử và là thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên các quốc gia trên thế giới. “Vậy, Việt Nam đang ở đâu, đang làm gì để có những giải pháp đột phá”, ông Bình đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để vượt lên. Trong chuyển đổi số, cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn cách mạng về công nghệ.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đây là sự thay đổi mang tính toàn diện tới từng DN, tổ chức, người dân trên mọi lĩnh vực, một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi sứ mệnh thì phải đi nhanh, đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi không cần nhiều cơ sở tài chính mà phải thay đổi tư duy.
Cơ hội đang đến, ai là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số? Bộ trưởng TT&TT cho rằng chính là các DN công nghệ số, DN công nghệ thông tin Việt Nam. Mỗi DN công nghệ thông tin cần nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.
“Các bạn đã được đất nước này nuôi dưỡng nhiều năm nay, được học hỏi từ những bài học trước đó, giờ là lúc cần đến để làm những điều lớn lao. Các DN hãy thức dậy mà chạy như chưa bao giờ được chạy”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ, không chỉ kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số qua thể chế, mà còn đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy các bộ ngành, địa phương, DN nhà nước đi đầu trong chuyển đổi.
“Chúng ta đang đứng trước cơ hội vô cùng quý giá với sứ mệnh đưa đất nước phát triển phồn vinh”, Bộ trưởng TT&TT mong các DN cùng kề vai sát cánh, mạnh mẽ đột phá vươn lên để dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Việt Nam có cơ hội bứt phá nhưng phải là tư duy mới, không truyền thống và tuần tự.
Các DN có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số |
Cần nhất là cơ chế
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Vinasa, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho hay các DN rất hào hứng đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số thành công, rộng hơn là thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 thành công thì thể chế, con người, công nghệ đóng vai trò then chốt.
“Với DN, chúng tôi chỉ mong thể chế đi trước một bước, tạo khung pháp luật, chứ hiện nay DN càng lớn càng sợ rủi ro pháp luật. DN có thể đi đầu trong chuyển đổi số nhưng chúng tôi chỉ cần cơ chế. Điều này, Nhà nước có thể họp trong thời gian ngắn để giải quyết cho DN. Trước mắt là cần có cơ chế sandbox cho DN thử nghiệm”, ông Thắng kiến nghị.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam là DN nào cũng xây dựng dữ liệu nhưng không chia sẻ dữ liệu với nhau. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến nghị, các DN Việt Nam cần hành động cụ thể, liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh. Cụ thể, xác định mục tiêu khát vọng lớn nhưng gắn liền với giải pháp, hành động cụ thể. Phải thực hiện mục tiêu trên với tâm thế của một nước đang kém phát triển so với thế giới, vì kém nên muốn vượt lên bằng người ta thì phải nỗ lực hơn người ta gấp nhiều lần.
“Chúng ta nói nhiều về tư duy mới, đi thẳng vào trí tuệ nhân tạo, blockchain nhưng tư duy quan trọng nhất là vượt lên chính mình, vượt khỏi tư duy cát cứ cục bộ, tình cảm định tính… Tức là sẵn sàng thay đổi nếp nghĩ mà từ trước đến nay đã trở thành thói quen”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý. Làm sao để DN có sự hỗ trợ của Nhà nước, DN công nghệ được hưởng lợi ích về mặt vật chất chứ không chỉ kêu gọi tinh thần.
“Bộ TT&TT cần tiếp thu vướng mắc hiện nay để trình Chính phủ, Thủ tướng xử lý những khó khăn của DN”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, phải định được những việc phải làm ngay, đây cũng chính là đầu bài cho giới CNTT, nhiệm vụ cho chính quyền các cấp. Trên hết, Phó Thủ tướng cho rằng các hiệp hội, DN cần chung tay, bắt tay với nhau để tạo khát vọng chuyển đổi số thì cơ hội mới thành hiện thực vì một Việt Nam hùng cường trong tương lai.
Theo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, các DN có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số. Vì vậy, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng hàng năm trung bình 20%, năng suất lao động tăng trưởng 8-10% mỗi năm, Việt Nam đứng top 20 thế giới và top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu…
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), cho hay Đề án cũng xác định phương châm thực hiện là người dân, DN là trung tâm; phát triển DN công nghệ số Việt Nam làm động lực thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai sandbox trong tiếp cận cái mới, sớm chấp nhận cái mới.
Đi vào cụ thể phát triển DN chuyển đổi số, ông Phúc cho biết, phát triển DN công nghệ số theo định hướng “Make in Vietnam” (sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam). Theo đó, phấn đấu có 10 – 20 DN công nghệ lớn, làm chủ R&D; hàng ngàn DN CNTT làm platsfoms; 50.000 DN khởi nghiệp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong mọi mặt kinh tế – xã hội và phát triển hàng trăm các DN startup số.
Lê Thúy
Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam Chuyển đổi số là cơ hội lớn đối với Việt Nam nhưng cơ hội với chúng ta cũng là cơ hội với các quốc gia, dân tộc khác. Nếu chúng ta không tận dụng tốt thì sẽ biến thành thách thức. Chúng ta phải có khát vọng và khát vọng đó phải đi kèm ý chí. Điều quan trọng hơn nữa là phải có sáng tạo và đột phá ra khỏi tư duy, suy nghĩ ràng buộc do thói quen từ trước đến nay, do điều kiện khó khăn mà ngần ngại. Bộ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Mạnh Hùng Nếu chúng ta coi mục tiêu chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực là thể chế, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số là an ninh an toàn thông tin. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường, phải là cường quốc đảm bảo an ninh mạng để đảm bảo quá trình này. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - Dương Trí Thành Công nghệ mới, cách mạng công nghiệp 4.0 hay gì cũng cần có thể chế. Chúng ta phát triển công nghệ nhanh nhưng vẫn chậm hơn so với nhiều “hàng xóm” khác. Việc thiết lập hệ thống wifi trên máy bay đã được nhiều quốc gia triển khai từ lâu nhưng đến nay hệ thống wifi của Vietnam Airlines mới được Bộ Công an và Bộ TT&TT cấp phép và cũng chỉ sử dụng được trên 4 tàu bay. |