Ông Guru Mallikajuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết trong 5 năm tới, tập đoàn Đức sẽ tiếp tục mở rộng việc đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc rót số vốn 86 triệu Euro vào nhà máy giải pháp truyền lực tại tỉnh Đồng Nai nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tự động hóa nhà máy với các giải pháp công nghệ 4.0, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thị trường đầy tiềm năng
Với việc tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam thông qua phát triển chuyển đổi số trong sản xuất, các giải pháp công nghệ thông minh cho doanh nghiệp (DN), hoạt động kinh doanh của Bosch tại thị trường Việt Nam năm ngoái ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 20%, đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi cũng mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ và giải pháp nhanh hơn, đa dạng hơn. Việc đầu tư mạnh mẽ để tăng công suất và khả năng của các nhà máy là rất cần thiết để giữ lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và giải pháp của công ty”, ông Guru chia sẻ.
Có thể thấy việc phát triển kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam của Bosch hay các tập đoàn cung ứng máy móc toàn cầu trong thời gian qua là điều cần ghi nhận, nhưng song song đó là cả một cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần.
Quan sát tại Triển lãm quốc tế về máy móc trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (MTA 2019) diễn ra ở Tp.HCM từ ngày 2/7 sẽ thấy sự quy tụ của hàng loạt nhà cung ứng tên tuổi đến từ các nền kinh tế mạnh về công nghệ và thiết bị máy móc thông minh (Anh, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan) như Amada, Beijing Jingdiao, Bystronic, Cybertech, Dine Vina, Hypertherm, Hwacheon, Jinan Bodor, Knuth, Mazak, Marposs, Mitsubishi, Muratec, Nikon, Shandong Leiming, Sandvik, Sodick, Renishaw, Takamaz, Trumpf, Yamada…
Điểm nhấn mới mẻ của triển lãm lần này chính là các gian hàng của nhà cung ứng ngoại giới thiệu các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ 4.0 dựa trên tiêu chí “9 trụ cột công nghệ tạo nên nền tảng cho công nghệ 4.0”, gồm: Dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; robot tự động hóa; mô phỏng; tích hợp hệ thống ngang và dọc; công nghệ vạn vật kết nối; an ninh mạng; đám mây; sản xuất bồi đắp; tăng cường tính thực tế.
Đơn cử như các thương hiệu cung ứng Đài Loan, để thể hiện sức ảnh hưởng tại thị trường Việt, tập trung mạnh vào “các giải pháp sản xuất thông minh” nhằm hỗ trợ nhu cầu trong việc phát triển DN tại Việt Nam, từ các ngành thực phẩm, dệt may, năng lượng cho đến hàng không, bán dẫn, máy móc, kim khí, IT, viễn thông…
Theo chia sẻ của Hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan (TAITRA), hồi năm 2018, tổng xuất khẩu máy công cụ Đài Loan sang Việt Nam đã lên tới 121,9 triệu USD, cao hơn năm 2017 đến 15 triệu USD và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
TAITRA cho biết Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Đài Loan. Trong xu thế công nghiệp 4.0, các DN Đài Loan có chuỗi cung ứng từ linh kiện chủ chốt, môđun tự động hóa, đến hệ thống tích hợp, từ đó cung cấp các giải pháp về tự động hoá, rôbốt, cảm ứng và điều khiển.
Thị trường máy móc thông minh nằm trong tay các thương hiệu ngoại |
“Miếng bánh” của khối ngoại
Với hơn 4.000 công ty của Đài Loan đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, như chia sẻ của ông Ar-Jeang Chang, Phó văn phòng kinh tế văn hoá Đài Bắc tại Tp.HCM, việc tiêu thụ máy móc thông minh của Đài Loan vào các công ty này là có nhiều lợi thế hơn so với các nhà cung ứng khác.
Ở góc độ DN Việt và là Chủ tịch Hội DN cơ khí điện Tp.HCM (Hamee), ông Đỗ Phước Tống cho biết Hội có hơn 250 DN và nhu cầu sử dụng các máy móc thiết bị có xuất xứ nước ngoài (nhất là các máy móc thông minh trong thời kỳ chuyển đổi số) là rất lớn. Tuy nhiên, các DN vẫn ưu tiên mua những loại máy móc thông minh có mức giá vừa phải, tính kinh tế cao.
“Công ty chúng tôi có một dự án đang đầu tư vào Khu công nghệ cao Tp.HCM với phần đầu tư máy móc thiết bị vào khoảng hơn 2 triệu USD, trong đó sẽ có những máy móc của các nước tiên tiến như Nhật, Đức, nhưng cũng có máy móc thông minh có mức giá phải chăng của Hàn Quốc, Đài Loan. Tất nhiên trong thị trường máy móc thì có những mức chất lượng khác nhau, tùy theo thương hiệu của máy”, ông Tống chia sẻ.
Thực tế, trong giai đoạn chuyển đổi số cho công nghiệp sản xuất, trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn khởi động và gặp nhiều hạn chế về các công nghệ mới, thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng.
Giới chuyên gia nhận định tính khả thi của Công nghiệp 4.0 của các DN Việt nên bắt đầu từ những bước nhỏ và đơn giản. Các nhà sản xuất nội địa nên mạnh dạn đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thông minh và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ với nhau để tối đa hóa hiệu quả thì mới có thể tham gia chuỗi sản xuất có giá trị lớn.
Và đó chính là cơ hội mở ra để các nhà cung ứng máy móc mới, công nghệ mới từ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt, được ví như “miếng bánh” của khối ngoại.
Dự báo sẽ có cuộc đua cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu ngoại trong thời gian tới nhằm giành thị phần ở phân khúc máy móc thông minh vốn đầy tiềm năng như Việt Nam.
Thế Vinh