Có đi mục sở thị Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải của CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) mới thấy choáng ngợp và tự hào khi trực tiếp chứng kiến những nhà máy thông minh lắp ráp ô tô với “hằng hà sa số” robot đang vận hành.
Hiện thực hóa
Các robot này làm việc nhịp nhàng như thoi đưa trên hệ thống dây chuyền, từ việc lắp ráp các chi tiết, linh kiện, hoàn thiện phần cơ bản của chiếc xe ô tô cho đến việc lắp thêm những phụ kiện ngoài động cơ xe.
Còn các công nhân, kỹ sư cứ việc khoan khoái nhìn vào các màn hình điều khiển và làm một số công đoạn phụ. Anh kỹ sư ở đây tự hào nói: “Đó là nhà máy chúng em tự động hóa, ứng dụng số hóa đấy anh!”.
Qua tìm hiểu được biết 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ ở khu phức hợp này đều đã áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền tự động toàn nhà máy với tỷ lệ tự động hóa hiện đã đạt gần 60%.
Điều đó giúp khu phức hợp từng bước hình thành dây chuyền sản xuất thông minh, thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối. Chính điều này đã giúp đáp ứng việc sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Đơn cử như ở nhà máy nhíp có tỷ lệ tự động hóa đạt trên 70%. Nhờ đó đã nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm và giảm 5% giá thành sản phẩm hàng năm, tạo lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, sản phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, khu vực Trung Mỹ và ASEAN với sản lượng gần 200 tấn/ tháng. Dự kiến năm 2019, nhà máy sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Có thể nói, việc đẩy mạnh tự động hóa tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đã giúp “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp ô tô Việt nâng cao năng suất, chất lượng.
Không những vậy, điều này còn giúp tăng hàm lượng công nghệ, làm chủ trong sản xuất linh kiện phụ tùng và cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe chủ lực, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ô tô.
Khu phức hợp cơ khí ô tô cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải đang từng bước hình thành dây chuyền sản xuất thông minh |
Ông Lê Trí Tín, Giám đốc bộ phận Tự động hóa Nhà máy – Bosch Rexroth Việt Nam, nhận định nếu các doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư những nhà máy ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại, tinh gọn và cơ động sẽ giúp giảm được giá thành sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm để ra thị trường nhanh hơn.
Với tâm thế mới khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) bước vào “mùa xuân mới” 2019, điều mong mỏi là có nhiều DN Việt cần chủ động tiếp cận nhanh với việc chuyển đổi số, nhất là cần học hỏi những DN nội đi tiên phong mà THACO là một trong những điển hình.
Chẳng hạn như với lĩnh vực logistics. Là một người đi tiên phong trong việc chuyển đổi số lĩnh vực này tại Việt Nam, ông Tony Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT công ty Smartlog, cho biết bằng công nghệ số hóa, trong thời gian qua, công ty đã giúp triển khai những dự án về giảm chi phí logistics cho các chủ hàng, nhà sản xuất, nhà bán lẻ và các công ty kho vận ở trong nước.
Theo đó, sau khi ứng dụng công nghệ số hóa, mỗi DN Việt liên quan đến lĩnh vực logistics đã giảm chi phí vận tải được 15 – 20%. Và mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp Việt cũng như chuỗi cung ứng.
Để hiện thực hóa chuyển đổi số, ông Hiếu hồ hởi cho biết đang sắp sửa đưa ra thị trường một sàn giao dịch vận tải online với tầm quy mô lớn ở Việt Nam, tận dụng các công nghệ hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo, các thuật toán thông minh.
Các robot sơn ô tô của THACO |
Thay đổi tư duy
Nhìn lại bức tranh kinh tế hiện nay cũng như trong tương lai sẽ thấy rằng các DN Việt không có lựa chọn nào khác là cần hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số của CMCN 4.0, nếu không bắt kịp thì khó tránh khỏi sẽ bị bỏ rơi lại ở phía sau trong cuộc cạnh tranh.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa có câu trả lời thích đáng cho người lao động về nhà máy thông minh, về chuyển đổi số khi mà đang có rất nhiều nguồn nhân lực tại Việt Nam tham gia vào lĩnh vực sản xuất. Cho nên rất cần tìm ra giải pháp và định hình lại quy trình đào tạo sao cho phù hợp với xu hướng mới này trong CMCN 4.0.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, bài toán nguồn nhân lực cho CMCN 4.0 vẫn đặt ra rất lớn, đòi hỏi phải chuyển đổi sang tư duy số. CMCN 4.0 đặt ra vấn đề với quản lý nhà nước là phải quan tâm nhu cầu xã hội đối với những nguồn nhân lực mới phải chuẩn bị và đáp ứng.
“Chúng ta phải trông vào 55 triệu lao động cần đào tạo và đào tạo lại, không đặt nặng bằng cấp mà chú trọng vào kỹ năng, phát triển các năng lực đáp ứng những yêu cầu mới”, ông Quân lưu ý.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam, người từng có quãng thời gian làm Giám đốc chiến lược tại các tập đoàn FPT và VNPT, nhấn mạnh CMCN 4.0 đặc biệt đi vào chữ S.M.A.C. (Social, Mobility, Big data/Analytics, Cloud), là bốn công nghệ nền.
Ông Hòa nhắc lại lời của ông Klaus Schwab – người sáng lập, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới về CMCN 4.0: “Công nghệ đang thay đổi chóng mặt, thế giới đang thay đổi chóng mặt vào thời đại CMCN 4.0, nhưng quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy của chúng ta”.
Thế Vinh