Chia sẻ với giới doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) nông sản tại Tp.HCM vào cuối tuần qua về thị trường Trung Quốc, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết nhiều DN Trung Quốc hiện rất muốn hợp tác và kết nối trực tiếp với các nhà kinh doanh, sản xuất nông sản của Việt Nam để có thể cung cấp nguồn hàng ổn định cho họ.
Hai bên cùng có lợi
Ông Hoà kể lại hồi cuối năm 2018, nhân Hội chợ thương mại hoa quả giữa ASEAN với Trung Quốc tại thị xã Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã ký thoả thuận với phía Trung Quốc về việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản giữa các DN Trung Quốc với các nhà XK của Việt Nam.
Trên thực tế, theo ông Hoà, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang chuẩn bị triển khai các nội dung thoả thuận này, nhất là phía DN Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về các loại hoa quả chế biến.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, khuyến nghị được đưa ra từ vị Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là các DN XK nông sản cần thay đổi cách tiếp cận với thị trường Trung Quốc.
"Đặc biệt là cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch động, thực vật (SPS) của thị trường Trung Quốc, từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. DN cần xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, kết nối với các đối tác Trung Quốc để đẩy mạnh XK và đưa sản phẩm vào sâu trong thị trường này", ông Hoà lưu ý.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với đối tác nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc CTCP Fusa JSC (chuyên sản xuất phân bón và bao tiêu nông sản XK), kể rằng khi còn làm ăn theo hình thức biên mậu trong giai đoạn 1994 – 2013, rủi ro dễ gặp chính là việc mất tiền vì bị khách hàng "bùng" khi mang trái cây sang biên giới để bán.
Từ đó, ông Thức có suy nghĩ là phải thay đổi. Hiện nay, công ty của ông đã buôn bán nông sản chính ngạch, mở văn phòng đại diện ở Trung Quốc và làm ăn với mục tiêu là "hai bên cùng có lợi". Có nghĩa là việc hợp tác làm ăn giữa công ty với đối tác tại thị trường Trung Quốc là minh bạch và cùng có lợi nhuận.
Như chia sẻ của vị giám đốc này, có rất nhiều DN Việt cứ nghĩ là khi XK sang Trung Quốc thì luôn gặp sự "hai mặt", nhưng thực tế thị trường này ngày nay đã khác rất nhiều, điều quan trọng là cần trên tinh thần lợi nhuận từ hai phía.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang đòi hỏi cao về chất lượng trái cây Việt |
Đòi hỏi chất lượng
Theo đánh giá, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và chủ đạo cho XK nông lâm thủy sản trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm trung bình khoảng 160 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu 15% tổng lượng rau quả của thế giới, trong đó 4,4 triệu tấn quả từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng cho rau quả Việt Nam khi hồi năm 2018 nhập khẩu tới 2,78 tỷ USD rau quả, trong đó có 8 loại quả tươi xuất chính ngạch (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm).
Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán để xuất chính ngạch sang Trung Quốc các loại rau quả khác như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, dừa, na, quả roi, măng cụt, khoai lang và bơ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo 10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu hoa quả của Trung Quốc sẽ chững lại, trong khi yêu cầu về chất lượng được nâng lên, giá cả sẽ có mức dao động lớn hơn.
Phẩm chất của các loại quả sẽ phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn. Thương mại điện tử các mặt hàng tươi sống cũng như ngành logistics hiện đại phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho quá trình tiếp cận với sản xuất, tiêu thụ các loại hoa quả nổi tiếng, có chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao hơn.
Nói về kênh tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản tại Trung Quốc, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý các DN Việt nên liên lạc với chi nhánh Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đặt tại Trung Quốc hoặc Thương vụ của Trung Quốc đặt tại Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp và có uy tín tại nước này.
Mặc khác, DN cũng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động giao thương, tham dự các hoạt động hội chợ với Trung Quốc.
Liên quan đến một số thông tin mới nhất về chính sách của Trung Quốc trong nhập khẩu rau quả, chuyên gia thị trường Trung Quốc – ông Shi Xinbiao, khuyến nghị các DN Việt VN phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả.
"Các DN XK nông sản của Việt Nam nên làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, các DN cần tiến hành quản lý chuỗi kho lạnh và có những quy định về chính sách truy xuất nguồn gốc", ông Shi Xinbiao đưa ra lời khuyên.
Thế Vinh