Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng rau quả đạt 2,33 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch XK hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu, đạt 1,72 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đối với mặt hàng trái cây, ước tính hơn 90% lượng trái cây chủ yếu XK qua thị trường Trung Quốc.
Trái cây “đi” đường mòn
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2018, tại Hậu Giang, giá thu mua mít Thái tại vườn ở mức 35.000-37.000 đồng/kg, tăng 10.000-12.000 đồng/ kg so với tháng trước. Trong thời gian tới, giá mít Thái có thể duy trì đà tăng do nhu cầu thu mua lớn để XK sang thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, đối với mặt hàng thanh long, trái loại I có giá 14.000-15.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, 26.000-27.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Giá mua xô tại vườn rất thấp, thanh long ruột trắng chỉ có 8.000 đồng/ kg, thanh long ruột đỏ 13.000 đồng/kg. Việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long khiến lượng XK của Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến chững lại.
Đây là hai ví dụ cho thấy trái cây Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Họ có nhu cầu, giá trái cây Việt Nam tức khắc sẽ tăng và ngược lại.
Đại diện công ty TNHH MTV Bảy Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) – DN thu mua, XK sầu riêng, cho biết sản lượng tiêu thụ hàng năm của công ty khoảng 1.000 tấn sầu riêng, trong đó sản phẩm nguyên trái tươi cung cấp cho thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch chiếm khoảng 90% tổng sản lượng.
Việc XK vào thị trường này bằng đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn như thời điểm được thông quan phụ thuộc vào số lượng (số lượng lớn thì thời gian thông quan sẽ kéo dài).
Từ đó, hàng hóa cung ứng cho đối tác không đảm bảo được thời gian hợp đồng, số lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm sút, đối tác gây khó nên giá sản phẩm thường bị giảm xuống so với hợp đồng.
Ông Phạm Năng Thành, công ty TNHH Thuận Tâm Thành, cho biết mỗi năm, DN XK khoảng 3.000 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên chỉ 30% là qua đường chính ngạch, 70% là XK tiểu ngạch.
Trung Quốc hạn chế nhập khẩu khiến thanh long Việt rớt giá |
Vẫn tư duy cũ
Trả lời câu hỏi vì sao trái cây Việt Nam chưa thể XK qua thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, ông Xu De Mao, Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc – ASEAN, cho rằng việc các DN Việt Nam XK hoa quả vào Trung Quốc với số lượng rất không ổn định là phụ thuộc vào sự cạnh tranh của thị trường.
Thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam cần cải thiện thương hiệu, chất lượng hoa quả để có thể chinh phục được thị trường nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc.
Là một DN, hơn ai hết, ông Thành hiểu rõ lý do vì sao trái cây Việt “lao đao” vì thị trường Trung Quốc. Ông cho rằng nếu không muốn bị đối tác, thương lái Trung Quốc làm khó, bắt bí, trước tiên, trái cây Việt phải đảm bảo chất lượng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mà họ đưa ra.
Theo ông Thành, hiện nay bà con nông dân vẫn chủ yếu làm việc theo phong trào, trong khi kỹ thuật sau thu hoạch còn hạn chế, thông tin về thị trường hạn hẹp.
Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thị trường, đặc biệt là các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra.
Theo PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương), thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều DN Việt vẫn níu giữ cách làm ăn cũ là mua gom hàng rồi đưa lên biên giới tiêu thụ. Cách làm này mang tính tuỳ tiện, khi lượng hàng nhiều, thương lái Trung Quốc sẽ tìm cớ mua rẻ, làm khó.
“Phía Trung Quốc có quyền điều khiển DN, đưa thêm điều kiện, yêu cầu điều hàng từ cửa khẩu này sang cửa khẩu khác. Thậm chí hàng hóa ứ đọng dẫn tới tình trạng dư thừa. Dư thừa thì đi giải cứu như câu chuyện của thanh long hay dưa hấu… diễn ra nhiều năm nay”, ông Thắng dẫn chứng.
Thời gian tới, theo ông Thắng, cơ quan quản lý cần phải tổ chức lại sản xuất nông sản theo cách bài bản (từ khâu sản xuất tới thu mua).
Bên cạnh đó, DN, HTX, cơ sở sản xuất cần thay đổi cách buôn bán, ký hợp đồng theo chính ngạch, làm việc với hệ thống phân phối bán lẻ của Trung Quốc để XK trực tiếp vào thị trường Trung Quốc.
Để hỗ trợ DN, thời gian tới, Bộ Công Thương cần phải phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ trì trao đổi, đàm phán, thúc đẩy cơ quan quản lý phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tồn đọng, giúp mở cửa thị trường chính ngạch với nhiều loại trái cây của Việt Nam.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp DN, HTX nâng cao chất lượng hàng hoá, tìm thị trường mới.
Thy Lê