Hiện nay, hơn 96% sản lượng xoài Việt Nam sản xuất tiêu thụ trong nước, trong đó 98% bán dưới dạng quả tươi, còn lại qua chế biến dạng xoài cắt miếng. Gần 4% xuất khẩu (XK) dạng xoài quả tươi hoặc xoài chế biến cắt hạt lựu/ xoài cắt lát.
Vì vậy, việc Mỹ đồng ý cho trái xoài của Việt Nam được XK sang thị trường này là tin vui cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân trồng xoài Việt Nam, khẳng định vị thế của nông sản và trái cây Việt Nam.
Bài toán cạnh tranh
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Mỹ được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi mỗi năm nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại các bang Florida, Hawaii và một lượng nhỏ tại California, Texas. Sản xuất tại chỗ của Mỹ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng phải nhập khẩu mỗi năm và đó là dư địa để xoài Việt có cơ hội gia tăng tiêu thụ vào thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, chia sẻ: một loại trái cây được XK vào thị trường Mỹ – thị trường rất khó tính, là niềm vui chung của nông dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc mở thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường này còn khó hơn nhiều.
Đầu tiên, trái xoài vào được thị trường Mỹ phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã số để quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi XK phải được xử lý chiếu xạ với liều đúng quy định; được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, phía địa phương và DN cần đáp ứng một số yêu cầu khác đã được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS thống nhất.
Trong đó, các điều kiện khác như phải được sản xuất quy mô thương mại, phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan bảo vệ thực vật của Việt Nam cấp, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi trong phần khai báo bổ sung như trái cây trong lô hàng này đã được kiểm dịch thực vật và không nhiễm Macrophoma mangiferae và Xanthomounes campestris pv. mangiferaeindicae. Có thể kiểm tra hồ sơ từng lô hàng tại cửa khẩu nhập…
Trước các yêu cầu khắt khe trên, bà Thu cho biết công ty đã có chiến lược XK xoài sang Mỹ, thể hiện qua việc thành lập chuỗi liên kết vùng sản xuất với nông dân, sản xuất đúng quy trình để trái xoài đi vào thị trường Mỹ một cách bền vững.
Từ khi xoài có bông, trái nhỏ, phải xử lý hết dịch hại trong khu vườn, bao trái từ khi trái hình thành, tránh dịch hại, thuốc bảo vệ thực vật. Lúc thu hoạch, quy trình bảo quản cần hết sức nghiêm ngặt từ rửa sạch, đóng gói đến chiếu xạ trước khi XK.
Xoài Việt Nam chất lượng ngon và đa dạng các loại nhưng phía DN như Chánh Thu lo ngại nhất là cạnh tranh về giá đối với xoài các nước khi cùng vào thị trường Mỹ. Có những nước lân cận không phải chiếu xạ, chi phí vận chuyển thấp nên giá thành trái xoài của họ rất thấp.
"Điều chúng tôi lo ngại nhất khi vào thị trường Mỹ là trái xoài Việt có hợp lý về giá không. Chúng ta mạnh về số lượng, cố gắng mạnh về chất lượng – uy tín của DN và giá thành cạnh tranh trên đất Mỹ", bà Thu chia sẻ.
Xoài Việt cần phải làm nhiều việc để khẳng định chỗ đứng ở thị trường Mỹ |
Làm thật, tránh đối phó
Không riêng trái xoài, bà Thu cho biết vướng nhất của XK trái cây hiện nay là phải theo dõi và tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo yêu cầu từ phía đối tác. Trước đây, DN có thể làm đối phó, kinh doanh mà không biết vùng trồng, dẫn tới chất lượng sản phẩm thường xuyên có vấn đề.
Tuy nhiên, nếu XK sang Mỹ mà DN vẫn không tuân thủ quy trình, rủi ro sẽ rất lớn. DN phải làm thật mới có thể vượt qua khó khăn, thường xuyên cập nhật yêu cầu về hàng rào kỹ thuật. Thị trường Mỹ rất khó tính, ngay đối với quả vú sữa cũng vậy, bắt đầu vụ sản xuất, DN phải đến vùng nguyên liệu, bao từng loại trái đạt tiêu chuẩn, khi XK sang Mỹ chỉ dám lấy đúng quả đã bao trái.
Hơn nữa về lâu dài, trái cây Việt Nam cần phải đẩy mạnh chế biến sâu, XK tươi sẽ không bao giờ hết sản lượng sản xuất của nông dân, sau khi chọn lựa những trái đạt quy cách mẫu mã, các sản phẩm còn lại đạt yêu cầu có thể chế biến thành nhiều chủng loại như sấy khô, mứt… giúp nâng cao giá trị trái cây XK.
Đặc biệt, thị trường Mỹ rất khắt khe, chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, họ sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng và kiểm tra một cách liên tục khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường này.
Chưa kể câu chuyện giành thị phần trên đất Mỹ cũng là vấn đề. Thị trường tiêu thụ trái cây tươi tại Mỹ rất lớn, người tiêu dùng thích ăn trái cây nhiệt đới tươi ngon, nhưng sản lượng trái cây Việt Nam mới chỉ khai thác được 2% thị phần ít ỏi tại thị trường này. Các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung bán ở bang Califonia, trong khi Mỹ có hơn 50 bang.
Từng có kinh nghiệm nhiều năm XK trái cây sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, chia sẻ bí quyết cạnh tranh. Ông cho biết XK trái cây tươi nên các DN có xu hướng vận chuyển bằng máy bay, chi phí rất đắt đỏ vì tính theo trọng lượng, hiện vào khoảng 3.000 USD/tấn hàng. Do vậy, theo ông Tùng, DN cần tạo ra được công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu hơn nhưng không lạm dụng chất bảo quản, không bị dư lượng thuốc, nhằm vận chuyển theo đường biển. Vận chuyển bằng tàu tính theo container với chi phí khoảng 2.500 USD/container hơn 10 tấn hàng. Điều này có thể giúp giá thành trái cây Việt cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Như vậy, có thể thấy thâm nhập được vào thị trường Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho các loại trái cây đặc sản Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên sau quá trình thâm nhập là định hướng biện pháp chinh phục lâu dài cho trái cây đặc sản tại thị trường này.
Người nông dân, DN và các chuyên gia đầu ngành cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài trong xây dựng chất lượng cũng như bảo đảm ổn định về số lượng sản phẩm để cung ứng theo yêu cầu của các thị trường.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group Để XK trái cây bền vững sang Mỹ, DN phải quy hoạch vùng trồng các loại trái cây XK theo tiêu chuẩn GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc. Để thuyết phục nông dân hợp tác với DN, trồng đúng theo quy chuẩn đặt ra vốn rất khắt khe và tốn nhiều công sức cần phải tạo niềm tin cho họ bằng việc đảm bảo thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái. Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc công ty TNHH Agricare Việt Nam XK sang Mỹ, trái xoài Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với xoài của Mexico, có vị rất ngon và đặc biệt giá thành rẻ hơn xoài Việt Nam. Chưa kể thói quen của người tiêu dùng tại mỗi thị trường là khác nhau, xoài Việt như vậy nhưng không phải ai cũng thích. Điều này phải chờ kiểm nghiệm trong một thời gian dài. Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Quả xoài được phép XK vào Mỹ đã khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tôi mong muốn nông dân, ngành nông nghiệp các địa phương cũng như các DN tham gia XK quả xoài tiếp tục nâng cao hơn nữa không chỉ về số lượng mà còn ngày càng cải thiện mẫu mã và chất lượng, nhất là các yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về kiểm dịch thực vật nhằm sản xuất và XK quả xoài theo hướng bền vững. |