Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết 90% nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp trong Hiệp định. Trong khi đó, hầu hết các FTA mới ký đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ.
Hụt hơi mục tiêu 40 tỷ USD
Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chưa có hồi kết đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu tới cung cầu trên phạm vi thế giới. Đáng chú ý, những nước liên quan nhiều đến căng thẳng thương mại như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... lại là những thị trường xuất khẩu (XK) chủ đạo của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam quan ngại sức mua sẽ giảm đi.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết tăng trưởng XK dệt may từ đầu năm 2019 vào Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã giảm mạnh.
Sự tác động nhiều hơn là về giá vì khi xung đột thương mại diễn ra, các nước đều có chính sách đối phó. Ví dụ Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ tác động nhiều đến xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này. Điều đó khiến giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng XK.
Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường XK chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng, trong khi mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.
Bộ Công Thương đánh giá trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các DN dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Số liệu thống kê từ VITAS cho thấy từ đầu năm 2019 đến nay, kim ngạch XK sợi phát triển âm, một số DN sợi thua lỗ.
Trong báo cáo sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra những phân tích chi tiết hơn về tình hình tiêu thụ khó khăn của ngành dệt may.
Theo đó, trong 9 tháng vừa qua, các đơn vị sợi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các đơn vị XK sợi sang Trung Quốc, giá sợi liên tục giảm. Mặc dù phía Mỹ hoãn áp thuế (từ 25% lên 30%) với gói 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng có thể chỉ là sự hòa hoãn tạm thời, chưa thực sự có tác động tốt lên thị trường sợi.
“Với tình hình ngành sợi đang theo chiều hướng xấu, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các DN sợi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan càng gay gắt”, Vinatex nhìn nhận.
VITAS cho rằng DN cần hết sức tỉnh táo, theo dõi sát cuộc xung đột thương mại để có ứng phó kịp thời bởi chính sách khó lường, thay đổi liên tục.
Ngành dệt may cần thay đổi để tận dụng những đơn hàng lớn từ thị trường FTA mới |
90% nguyên phụ liệu đang nhập khẩu
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội rất lớn cho ngành dệt may của Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS, đánh giá các FTA này mới được ký kết, chưa có hiệu lực thực sự, hàng XK vẫn chịu thuế. Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, cơ hội của Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.
Vinatex dự báo XK dệt may cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 39,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2018 nhưng không đạt được mục tiêu như đã đề ra từ đầu năm là 40 tỷ USD.
Với riêng Vinatex, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm của Tập đoàn cũng sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45.439,6 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm; doanh thu (không thuế giá trị gia tăng) đạt 49.184,3 tỷ đồng, bằng 97,7%; kim ngạch XK đạt 2.896,3 triệu USD, bằng 97,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.281,55 tỷ đồng, bằng 73,95%.
Tuy nhiên, để nâng được tỷ trọng XK dệt may sang thị trường Mỹ khoảng 42%, EU khoảng 21,5% trong tổng kim ngạch XK như mục tiêu, ngành dệt may cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động được nguồn nguyên vật liệu thay vì nhập khẩu 45% từ Trung Quốc như hiện nay, nhằm hưởng ưu đãi thuế từ các FTA.
Bộ Công Thương đánh giá đây là vấn đề hết sức cần thiết. Nguyên nhân là Việt Nam vừa ký hàng loạt FTA như CPTPP, trong đó có quy định rất cụ thể về quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, từ vải trở đi, trong khi nguồn cung của Việt Nam gặp khó khăn.
Trên thực tế, các DN dệt may chưa đáp ứng yêu cầu xuất xứ hoặc chỉ đáp ứng một phần, nhưng đây là cơ hội để cân đối lại từ khâu đầu đến khâu cuối.
Ông Cẩm cho biết các nhà đàm phán Việt Nam nhận ra vấn đề này nên khi đưa vào đàm phán đã đưa vào ngoại lệ. Ví dụ như CPTPP có nguồn cung thiếu hụt 187 mặt hàng có thể dùng nguyên liệu ngoài Việt Nam và ngoài CPTPP mà vẫn được chứng nhận xuất xứ.
Theo quy định, có mặt hàng của ngành dệt may chỉ cần công đoạn cắt may như vali, túi xách, áo ngực phụ nữ... Đối với EVFTA, ngoại lệ là Việt Nam có thể dùng vải của Hàn Quốc, lượng vải nhập là 2,16 tỷ USD. Đây là bước đệm để Việt Nam từng bước tập trung giải quyết nguồn cung nguyên liệu hiện đang khó khăn.
“Các DN trước mắt cần nghiên cứu kỹ mặt hàng nằm trong nguồn cung trong danh mục; sau đó xem làm thế nào đáp ứng việc tự sản xuất. Hiện, chúng ta có nhiều khó khăn từ DN, địa phương, Chính phủ. Cần tập trung tháo gỡ thì mới có thể giải quyết”, ông Cẩm kiến nghị.
Thanh Hoa
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Trước đây, chúng ta dựa vào dệt may rất nhiều để phát triển việc làm và phát triển theo bề rộng. Nhưng bối cảnh đã khác, việc tham gia FTA thế hệ mới nằm trong tính toán tổng thể. Ngành dệt may bắt buộc phải cải cách, tham gia FTA, thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may. Ông Lương Hữu Lâm - Giám đốc thương hiệu của Tập đoàn Giovanni Group Các DN Việt Nam cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, thay vì để các DN chỉ định các nhà cung cấp nguyên phụ liệu quốc tế thì cần tích cực để các DN chỉ định nhà cung cấp nguyên phụ liệu từ Việt Nam. Nhà nước nên có những hiệp hội, hoặc có hội chợ về nguyên phụ liệu dệt may để DN Việt Nam tận dụng tốt hơn FTA, để DN Việt Nam sản xuất được nguyên phụ liệu, họ sẽ chủ động tìm đến DN hoặc các DN tìm đến họ dễ dàng. Ts. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội Để ngành dệt may vào được thị trường lớn cần đẩy mạnh mũi nhọn đang có thế mạnh. Đó là năng suất, chất lượng. Dần từng bước chuyển từ sản xuất gia công sang sản xuất từ thiết kế, thị trường; đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường với chi phí rẻ. |