Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày 2 và 3/5/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức, gồm 1 phiên toàn thể 7 hội thảo, tọa đàm chuyên đề, hoạt động triển lãm và kết nối doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng ngày 2/5 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để phát triển bứt phá”.
Ông Vũ Đức Giang cho biết quy hoạch ngành dệt may đã lỗi thời |
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: CPTPP mang lại đến cho các doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển.
"Với CPTPP, ngành sản xuất có vượt qua được các trở ngại quá khứ hay không, câu trả lời có được khi chúng ta nhận diện được những cản trở của doanh nghiệp Việt Nam để hiện thực hoá các nguyện vọng", ông Lộc cho biết.
Chủ tịch VCCI cũng đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp. Một là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn; hai là vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Lộc, các cơ quan nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt...
Phân tích về ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định CPTPP là "xương sống" của ngành dệt may Việt Nam nhưng "xương sống không lôi được cả cơ thể" vì cần có nền tảng.
Ông Giang cho rằng quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến, mặc dù Hiệp hội kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất, xây dựng lại quy hoạch ngành thì Hiệp định sẽ không mang lại lợi ích.
"Đặc biệt, hiện một số địa phương dị ứng với các ngành dệt may, nhất là hóa nhuộm. Các địa phương đang có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm", ông Giang chia sẻ.
Lê Thúy