Cách đây khoảng một tháng, từ "mối duyên" khi ra nước ngoài tham gia hội chợ quốc tế, một DN nội địa là công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Qui Phúc đã xuất khẩu (XK) thành công 70 container (tương đương với 100.000 sản phẩm) bàn, ghế inox – nhựa sang thị trường Thái Lan.
Tuy mới là bước đầu, nhưng phía công ty đang đo lường nhu cầu cũng như sự chấp nhận của người tiêu dùng Thái Lan. Trước đó, DN này đã XK sản phẩm thành công sang Myanmar, Lào, Campuchia, hay những thị trường khó tính như Hàn Quốc…
"Mối duyên" thị trường lớn
Về triển vọng thị trường của sản phẩm, đại diện đơn vị nhập hàng là ông Nayot Rojansopndist, Giám đốc kinh doanh công ty Profit Plus Trading, cho biết loại bàn ghế inox "Made in Vietnam" này được ưa chuộng ở thị trường nông thôn của Thái Lan.
Việc chủ động tham dự các hội chợ lớn ở nước ngoài sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Đơn cử như khi tham gia Hội chợ quốc tế thực phẩm, đồ uống Private Label Show vừa diễn ra tại Tp. Chicago (Mỹ), với cơ hội tiếp cận khoảng 1.500 DN đến từ 60 quốc gia trên thế giới, nhiều DN Việt đã giành được các hợp đồng đặt hàng XK sang thị trường Mỹ.
Điển hình như CTCP Thực phẩm GOC đã ký thành công hợp đồng đặt hàng 350 container sản phẩm dưa leo, ớt… trị giá 4,2 triệu USD. Nhiều DN Việt khác cũng đã ký hàng loạt hợp đồng đặt hàng từ nhà nhập khẩu Mỹ cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến như ca cao, sữa, nước nha đam, nước dừa tươi… với tổng giá trị gần 1 triệu USD. DN còn nhận được yêu cầu từ nhà mua hàng lớn của Mỹ về việc gửi hàng mẫu để xem xét khả năng hợp tác trong thời gian tới.
Nói về tầm quan trọng của việc ra nước ngoài tham gia hội chợ quốc tế, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng có rất nhiều thứ mà DN Việt sẽ nhận được, nhất là DN có thể tiếp cận, mang hàng của mình tìm đến nhà phân phối, tìm đường đến với người mua hàng, "so tài" với các đối thủ cạnh tranh khác. Và khi "so tài" mới biết mình hơn ở chỗ nào, kém ở chỗ nào để trở về tập trung sửa đổi.
Về "mối duyên" của DN Việt với thị trường lớn trong năm 2018 có thể kể thêm trường hợp CTCP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood. Đầu năm nay, DN thuần Việt này đã gây sự chú ý lớn khi XK dòng sữa dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào thị trường Mỹ. Tiếp đến, vào tháng 9/2018, công ty hợp tác với Backahill Group – tập đoàn của tỷ phú Thụy Điển để sản xuất sữa organic tại nước này nhằm cung cấp cho thị trường châu Âu.
Với việc đẩy mạnh XK sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế, như chia sẻ của bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc NutiFood, đó là mong muốn đưa DN của mình trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm dinh dưỡng trong khu vực và trên thế giới. Người Việt Nam sao không thể tạo lập những công ty tầm cỡ, phát triển bền vững đóng góp cho đất nước, cho xã hội, cộng đồng?
Khối nội đang cải thiện tốc độ tăng trưởng XK so với khu vực FDI |
"Ăn sâu" vào chuỗi giá trị toàn cầu
Có thể thấy, năm 2018 là năm ghi nhiều dấu ấn cho các DN nội trong việc chủ động xúc tiến mở rộng các thị trường XK, tìm đến những nhà nhập khẩu, phân phối lớn trên thế giới. Trong nhận định của Bộ Công Thương cũng cho thấy khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng XK so với khu vực FDI.
Các số liệu thống kê cũng thể hiện rõ điểm tích cực này được thể hiện qua mức tăng trưởng XK của khối DN trong nước.
Nếu như nửa đầu năm 2018, khối DN nội XK khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung, thì đến hết 10 tháng đã đạt kim ngạch khoảng 56,8 tỷ USD, tăng 16,8%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI.
Nhìn lại số liệu thống kê của các năm trước sẽ thấy năm 2018 rõ ràng có những gam màu sáng trong tăng trưởng XK của DN nội địa. Chẳng hạn, năm 2015, XK của khối nội giảm 2,6%, năm 2016 chỉ tăng 5,5%, nhưng đến năm 2017 – khi chính sách thông thoáng hơn, môi trường kinh doanh cải thiện tốt hơn đã tăng 17,7%.
Năm 2018 chính là năm tiếp nối cho sự khởi sắc này nhằm rút ngắn khoảng cách về XK với khối FDI. Nguyên nhân một phần là trong năm nay đã tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là đã rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành.
Đây là những yếu tố tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng giúp thúc đẩy tăng trưởng XK của các DN nội địa. Hơn nữa, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán ký kết, 10 FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.
Để có những con số tăng trưởng đáng khích lệ như vậy, một trong những điểm quan trọng là khối nội đã, đang và sẽ phải cố gắng "ăn sâu" vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, những cơ hội từ hội nhập đòi hỏi các DN nội địa cần tận dụng thông qua việc mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, cũng như tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống.
Thế Vinh