Nhìn lại thị trường tôm năm 2018, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) tôm hàng đầu Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng tình hình thời tiết không thuận lợi đã làm giảm lượng tiêu thụ tôm và làm cho tăng lượng tôm tồn kho (nhất là ở giai đoạn đầu năm).
Nhu cầu thị trường thấp
Ngoài ra còn do Trung Quốc siết chặt kiểm soát XK tiểu ngạch ở khu vực biên giới, nên các mặt hàng tôm của Ấn Độ, Ecuador đưa vào Việt Nam và xuất qua đường tiểu ngạch bị chững lại. Điều này làm cho lượng tôm tồn kho của các nước này tăng và họ chuyển hướng đẩy mạnh bán vào các thị trường khác, dẫn đến nguồn cung tăng lên.
Một khó khăn khác là nhu cầu tôm trên thị trường thế giới của những tháng đầu năm thấp khiến cho giá tôm giảm, người mua lại chờ giá chạm đáy mới mua, trong khi không biết lúc nào là giá đáy.
Trong khi đó, vào giữa năm lại bước vào mùa thu hoạch chính, nên người nuôi (như ở Ấn Độ) có nguồn vốn ít nên giảm giá để bán. Càng giảm thì càng tạo ra tâm lý cho các khách hàng là không dám mua vì cứ đợi giá đáy.
Chính vì vậy, vào tháng 5 và 6, giá tôm xuống rất thấp và xuống dưới giá thành của người nuôi, kéo giá tôm XK sụt giảm theo.
"Mọi năm, tại thời điểm tháng 9, 10, 11, giá tôm tăng. Nhiều DN XK cũng hy vọng như vậy, nhưng năm nay thì ngược lại, từ sau khi giảm xuống giá đáy vẫn không lên mà giảm tiếp với tốc độ tương đối nhanh", ông Quang chia sẻ.
Trong đánh giá mới đây của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP), kim ngạch XK tôm của Việt Nam trong cả năm 2018 có thể đạt gần 3,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với năm ngoái.
Riêng tháng 11 vừa qua, XK tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi, tiếp tục giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó các thị trường lớn đều giảm mạnh như EU (giảm 36,6%), Trung Quốc (giảm 25,7%), Hàn Quốc (giảm 20,7%).
VASEP cho hay, XK tôm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do giá tôm trong nước và thế giới giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính. Hơn nữa, nguồn cung từ các nước tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này mặc dù đơn hàng còn nhiều.
Được biết, dù biến động về giá và chi phí sản xuất cao nhưng sản lượng tôm toàn cầu vẫn tăng khoảng 5,7% mỗi năm. Theo dự báo, các vùng sản xuất tôm chính của thế giới là Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ, Trung Đông/Bắc Phi có sản lượng sẽ tăng từ 6 – 19,4% đến năm 2020 so với năm 2015.
Giá tôm XK biến động phụ thuộc vào cung cầu tôm trên thế giới |
Thiếu dự báo giá?
Đơn cử như Ấn Độ, ông Kumar Yellanki, Chủ tịch Hiệp hội nuôi trồng thủy sản, cho biết nước này dự kiến vượt Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu về nuôi tôm năm 2019 – 2020. Riêng năm 2018, sản lượng tôm của Ấn Độ đã vào khoảng 650.000 tấn, tăng 20% so với năm 2017.
Sản lượng tôm ở Ecuador trong năm nay tăng trên 10% và sản lượng tôm ở Việt Nam cũng tương tự như vậy. Chính vì nguồn cung tăng, nhu cầu tuy cũng tăng nhưng tăng ít hơn khiến cho giá tôm giảm.
Về đối tượng nuôi, tôm thẻ chân trắng sẽ chiếm khoảng 77% tổng sản lượng, tôm sú và tôm càng xanh chiếm phần còn lại. Đáng chú ý, nhu cầu ở thị trường Mỹ chủ yếu là tôm cỡ lớn trong khi hầu hết các nước vẫn sản xuất tôm cỡ nhỏ.
Nói về tính cạnh tranh của tôm Việt XK, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số chủ DN XK tôm cho biết hiện nay, các thị trường nhập khẩu tôm rất chú trọng đến màu sắc tôm: cần tôm luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng, nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. Đó chính là một phần hạn chế của sản phẩm tôm nuôi ở Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt so với tôm từ các quốc gia khác.
Mặt khác, chi phí kiểm dư lượng kháng sinh đã phần nào ảnh hưởng đến giá thành của tôm Việt XK. Như chia sẻ của ông Lê Văn Quang, chi phí kiểm kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, quy ra 1kg thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng, đã làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác.
Với tình hình giá tôm biến động khá lớn khi nhìn lại năm 2018, giới chuyên gia cho rằng việc dự báo giá tôm XK có vai trò quan trọng đối với các DN XK tôm ở Việt Nam hiện nay và các nhà lập chính sách để đưa ra quyết định về sản xuất kinh doanh tôm có tính chiến lược trong thời gian tới.
Trên thực tế, giá tôm sú XK biến động chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu tôm trên thế giới, trong khi việc mở rộng thị trường của DN chế biến, XK tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đồng thời, những chính sách về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước nhập khẩu tôm ngày càng khắt khe hơn.
Điều đáng nói, dù bàn nhiều về chuỗi giá trị tôm, hiệu quả kinh tế của nuôi tôm, nhưng hiện vẫn thiếu những thông tin, mô hình phân tích dự báo giá tôm XK có độ chính xác cao để phục vụ cho chiến lược phát triển ngành tôm Việt.
Thế Vinh