Mùa thu hoạch sầu riêng trái vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 11 đến nay được cho là đang gặp thách thức lớn ở đầu ra khi loại quả này chưa được xuất khẩu (XK) chính ngạch sang Trung Quốc.
Có thông tin cho rằng do sầu riêng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc nên bị cấm (ở tỉnh Quảng Tây) và dẫn đến ứ đọng ở trong nước.
Nỗi niềm trái sầu riêng
Trong khi đó, do nguồn cung tăng, nhu cầu lại giảm, nếu có xuất sang Trung Quốc thì chỉ theo đường tiểu ngạch, nên người trồng sầu riêng chịu thiệt hại nặng nề. Nông dân bị ép giá thu mua tại vườn hiện nay được cho là chỉ bằng một nửa so với năm ngoái (dù giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn khá cao).
Cụ thể, trung tuần tháng 12, tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, giá sầu riêng loại 1 bán cho thương lái chỉ còn 40.000 – 45.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg so với tháng 11 và giảm gần một nửa so với thời điểm chính vụ.
Dưới góc độ người tiêu dùng Trung Quốc, ông Tôn Nham, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN, cho rằng trước nay, người Trung Quốc quen mua sầu riêng từ Thái Lan. Tuy nhiên, quãng đường vận chuyển từ Thái Lan sang Trung Quốc hơi xa khiến mùi vị trái sầu riêng cũng giảm đi phần nào, nên không ngon bằng sầu riêng Việt Nam với lợi thế quãng đường gần, thời gian vận chuyển nhanh hơn.
Ông Tôn Nham mong muốn trái sầu riêng cũng như nhiều loại rau củ quả khác của Việt Nam sẽ được XK theo đường chính ngạch đến Trung Quốc bởi nhu cầu tiêu thụ ở thị trường này là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, nên nhớ là người tiêu dùng Trung Quốc không còn dễ dãi như trước, mà coi trọng loại rau quả nhập có chất lượng và an toàn cho sức khỏe.
Năm ngoái, tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc lên tới 125,6 tỷ USD. Tỉnh Quảng Đông hay đặc khu Thâm Quyến có nhu cầu tiêu thụ rau củ quả nhập khẩu rất cao sẽ là cơ hội lớn cho nông sản Việt nếu XK chính ngạch sang đây.
Theo đánh giá, đến nay mới chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được XK chính ngạch sang Trung Quốc.
Điều này khiến cho sầu riêng hay những loại nông sản thế mạnh của Việt Nam khác muốn vào thị trường Trung Quốc đều phải qua con đường tiểu ngạch, lâu nay có rất nhiều rủi ro.
Một thống kê cho thấy khoảng 60% nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng.
Điều đáng nói, DN muốn chuyển sang XK chính ngạch lại gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được cấp phép.
XK nông sản vào thị trường Trung Quốc nên tuân thủ xu hướng chính ngạch |
Tuân thủ xu hướng chủ đạo
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: "Ngoài 8 sản phẩm nông sản đã được phép XK chính ngạch vào Trung Quốc, chúng tôi đang đàm phán với phía Trung Quốc để mở rộng danh mục này".
Theo ông Toản, với thị trường Trung Quốc trong năm 2019 sắp tới, xu hướng chủ đạo là XK nông sản chính ngạch và chúng ta phải tuân thủ xu hướng này, đặc biệt là áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, tem mác, nhãn hiệu, chứng thư XK…, những vấn đề mà từng hiệp hội ngành hàng, từng DN, từng nông dân phải nắm rõ.
"Có nắm rõ từng tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc thì mới có thể chinh phục được thị trường này. Và đây là sự tự thân trong quá trình nông sản Việt hội nhập với thế giới, trong đó có Trung Quốc", ông Toản nói.
Trên thực tế, hiện nay, nhiều DN Việt, nhất là những DN nhỏ, chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc hoặc chọn con đường XK nông sản theo đường tiểu ngạch. Phần lớn nông sản XK là do các thương lái Trung Quốc sang tận nơi để tìm nguồn hàng.
Các thương lái Trung Quốc khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức tiểu ngạch. Hệ quả là giá cả mặt hàng nông sản đã bị thương lái Trung Quốc thao túng quá dễ dàng, còn nông dân thì hoàn toàn thụ động, cơ quan quản lý thì lúng túng.
Lâu nay, việc mua bán tiểu ngạch tuy quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Mặt khác, hiện Trung Quốc rất coi trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản.
Giới chuyên gia cho rằng cần đa dạng hóa danh mục hàng hóa nông sản XK chính ngạch sang Trung Quốc và nên tính đến việc xây dựng, phát triển những sản phẩm mới phù hợp với thực lực của ngành nông sản Việt. Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng đến bản quyền, thương hiệu nông sản Việt được đăng ký cẩn thận, nhất là với những mặt hàng truyền thống đã có tên tuổi.
Đồng thời, cần hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá từ thương lái Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch không chính thức. Để tăng tính cạnh tranh với nông sản của các quốc gia khác (như Thái Lan) trên thị trường Trung Quốc, nông sản Việt XK cũng cần giảm chi phí, sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý.
Thanh Loan