Thống kê đến hết quý II/2018 của Tổng cục Hải quan cho thấy, nông sản, thực phẩm Việt Nam có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1 tỷ USD như: cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Khó vào thị trường "khó tính"
Tuy vậy, ngành nông sản và thực phẩm Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng ở các thị trường lớn trên. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết thị trường châu Âu (EU) có nhu cầu lớn về các sản phẩm nông sản, đặc biệt rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới, tuy nhiên rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, có những sản phẩm chủ đạo XK của Việt Nam sang EU đang có nguy cơ mất dần lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Đơn cử như mặt hàng hồ tiêu, trên thị trường EU, Việt Nam và Indonesia là hai nguồn cung hồ tiêu lớn nhất. Nhập khẩu hồ tiêu của EU từ Việt Nam khoảng 40.000 tấn/năm, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu XK của Việt Nam và đáp ứng đến 53% nhu cầu hồ tiêu của thị trường EU.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, EU đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; một số nước trong khối EU đang dần chuyển sang nhập tiêu từ Ấn Độ và Brazil.
Thủy sản Việt Nam vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo "thẻ vàng" do vi phạm những quy định về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Không giải quyết được vấn đề này, nếu hiệp định thương mại Việt Nam – EU chính thức có hiệu lực, ngành thủy sản sẽ để tuột mất nhiều cơ hội lớn.
Bên cạnh đó, gạo của Việt Nam XK vào EU hưởng hạn ngạch thuế quan theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp), trong khi Mỹ, Thái Lan, Úc được hưởng hạn ngạch riêng.
Đáng chú ý, rau quả được đánh giá là mặt hàng rất tiềm năng để XK vào EU, song đến nay mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của EU.
Nguyên nhân là do rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ XK (hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên đến 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%).
EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị…
Chưa kể, rau quả Việt Nam chủ yếu XK sang EU ở dạng tươi, sơ chế do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân nên việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công, dẫn tới giá trị thu về thấp.
Bà Hoàng Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu, công ty TNHH IDD Việt Nam, cho biết hệ thống tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm XK sang châu Âu rất khó khăn.
Đối với mặt hàng cà phê, công ty đã đáp ứng được tiêu chuẩn ISO (tiêu chuẩn hóa quốc tế) và tiêu chuẩn HACCP (hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy cơ). Tuy nhiên EU còn yêu cầu thêm tiêu chuẩn hữu cơ (Organic), nên DN này vẫn chưa thể XK cà phê sang thị trường EU.
"Tiêu chuẩn XK sang EU rất ngặt nghèo, kiểm soát cà phê ngay từ công đoạn đầu tiên là gieo hạt, quả cà phê tươi, chế biến rang xay tới thành phẩm, trong khi Việt Nam chưa kiểm soát được quy trình trồng trọt", bà Tâm chia sẻ.
Hơn thế, công nghệ chế biến rang xay cà phê ở EU rất phát triển nên họ có nhu cầu nhập khẩu cà phê thô với giá rẻ hơn là cà phê đã chế biến. Đây là điểm bất lợi, rào cản đối với các DN Việt Nam trong việc nâng cao giá trị XK.
Không chỉ EU, điều này cũng xảy ra tương tự với thị trường Nhật Bản. Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết người Nhật rất quan tâm tới sức khỏe, bởi vậy để nông sản và thực phẩm Việt Nam xâm nhập được thị trường này, yêu cầu số một là chất lượng.
Nhật Bản có một bộ hệ thống tiêu chuẩn với hàng nghìn yêu cầu tùy theo từng loại nông sản, thực phẩm. Đồng thời, DN còn phải nghiên cứu thị trường, tập quán và xu hướng tiêu dùng của người Nhật để cải tiến mẫu mã, bao bì.
Tâm lý sản xuất tùy tiện khiến nông sản, thực phẩm Việt có nguy cơ "mất chỗ" ở nhiều thị trường |
Không ai làm thay doanh nghiệp
Trước thực trạng người nông dân vẫn còn tâm lý sản xuất theo kinh nghiệm, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chưa cao, ông Trần Ngọc Quân cho rằng DN cần phải thể hiện vai trò của mình.
Điều đó có nghĩa, sau khi biết được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra, DN cần phải đặt hàng với nông dân, HTX sản xuất ra các sản phẩm với tiêu chuẩn như vậy và chỉ thu mua những sản phẩm đạt yêu cầu. Điều này buộc nông dân, HTX sản xuất thay đổi tập quán sản xuất.
Để nông sản, thực phẩm dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), nhấn mạnh DN cần dành thời gian, nguồn lực, chi phí nghiên cứu thị trường. Thông tin thị trường có thể tiếp cận thông qua internet, yêu cầu trực tiếp của người tiêu dùng.
Để làm được, DN có thể dành thời gian, nguồn lực đi tham quan trực tiếp các hội chợ, qua đó tiếp cận khách hàng tiềm năng hoặc thông qua các cơ quan hỗ trợ, hiệp hội của các nước để tiếp cận trúng đích khách hàng, có hành động thực tế để chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động XK.
"Hội chợ thương mại là thị trường thu nhỏ để nghiên cứu thị trường. Đi hội chợ, DN nên dành thời gian kiểm tra xem những khách hàng tiềm năng nào, đối thủ cạnh tranh nào tham gia hội chợ… Quan sát xem đối thủ của mình xây dựng gian hàng, tiếp thị sản phẩm thế nào, từ đó xây dựng chiến lược cho mình", ông Sơn nói.
Thực tế hiện nay, DN Việt Nam chú tâm nhiều hơn tới khách hàng cụ thể, theo đuổi cơ hội trước mắt mà thiếu nghiên cứu bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường. Trong khi đó, việc quan trọng để giúp DN XK bền vững là cần có kế hoạch XK, trong đó chỉ rõ XK sản phẩm nào, sang thị trường nào phù hợp thế mạnh của DN.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong kinh doanh, không ai có thể làm thay việc của DN – người chèo lái con đường kinh doanh tốt hơn ai hết là chủ DN.
Vì vậy, sự hiểu biết, năng lực bản thân của người điều hành DN có vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch, triển khai hành động để đẩy mạnh XK, đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Lê Thúy
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Quá trình hội nhập đang đặt thách thức không nhỏ khi DN phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật như các quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn chất lượng, các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu. Bà Hoàng Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu công ty TNHH IDD Việt Nam Sản phẩm cà phê chế biến ở Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm ở châu Âu vì thiếu thương hiệu. Lâu nay, người ta vẫn biết tới Việt Nam là quốc gia cung cấp nguyên liệu cà phê. Vì vậy, Nhà nước hãy giúp DN quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới, hỗ trợ đưa thông tin đến đối tác, bạn hàng về giá trị của hạt cà phê Việt. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chuyên gia Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) Hiện nay, nhiều DN XK Việt Nam vẫn có tâm lý e dè với thị trường "khó tính" vì lo ngại tiêu chuẩn khắt khe sẽ khiến chi phí kinh doanh của DN lớn hơn, đồng nghĩa lợi nhuận ít đi. Tuy nhiên, DN cần hiểu rằng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn đó, cơ hội đối với DN sẽ nhân lên gấp nhiều lần, vào được các thị trường "khó tính" thì nhiều thị trường XK khác sẽ mở ra. |